Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: Ngày 11/4 ghi nhận thêm 1 ca mới; Thủ tướng gửi thư tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Đến 18 giờ ngày 11/4, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 mới ở thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội), nâng tổng số ca mắc lên 258 trường hợp, trong đó có 159 người từ nước ngoài (chiếm 61,6%); 99 người lây nhiễm thứ phát. Tổng số người cách ly, người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 72.508 người.

Thủ tướng gửi thư kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chung sức phòng chống dịch

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi thư tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Thân ái gửi bà con Việt Nam ở nước ngoài, COVID-19 là đại dịch nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh trên toàn cầu và diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Đảng, Nhà nước ta đã có những chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, kiên quyết nhiều giải pháp phòng chống dịch ngay từ sớm và áp dụng mức độ cao hơn so với các khuyến cáo của WHO. Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, đạt những kết quả tích cực bước đầu với 50% số lượng người nhiễm được chữa khỏi bệnh và đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong, được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đạt được những kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, các đoàn thể…, cũng như sự đoàn kết, đồng lòng chung tay hành động của toàn dân tộc, trong đó có những đóng góp, ủng hộ hết sức quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi đánh giá cao sự ủng hộ, chia sẻ quý báu, thiết thực cả về vật chất, tinh thần của bà con đối với công tác phòng chống dịch ở trong nước thời gian qua. Tôi trân trọng tinh thần đoàn kết, nhân ái, tương trợ, giúp đỡ quý báu đó, đồng thời biểu dương nỗ lực của kiều bào, người lao động, sinh viên, học sinh Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập ở các quốc gia vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, tuân thủ quy định của nước sở tại để bảo vệ mình và cộng đồng. Những hành động đó thể hiện truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, nhân nghĩa và tinh thần vượt khó của dân tộc ta, nhân dân ta.

Tôi hoan nghênh các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài yên tâm ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này. Tôi đề nghị các Cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, hợp tác với các cơ quan hữu quan nước sở tại, bảo đảm quyền lợi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại. Đồng thời, khẳng định tinh thần tích cực và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, tiếp tục nỗ lực phối hợp hành động và chia sẻ khó khăn với tất cả các nước để sớm giành thắng lợi trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!”. Thực hiện Lời kêu gọi này, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, tôi kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao trách nhiệm, đề cao tinh thần tự bảo vệ mình chính là bảo vệ gia đình và xã hội; nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch và các quy định của các nước sở tại, nhất là giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn nhiều vất vả, khó khăn phía trước, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của tất cả chúng ta, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch đến nay, cùng với sự đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách toàn xã hội, tuyệt đối không lơi lỏng, chủ quan

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/TTg, trước hết đến hết ngày 15/4/2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Chiến lược ngăn chặn, cách ly khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả là đúng đắn, các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng đúng thời điểm, phù hợp với diễn biến dịch; đặc biệt việc cách ly toàn xã hội được thực hiện kịp thời. Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, là kết quả rất đáng mừng.

Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam vẫn rất cao. Các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện chủ động các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Phố Hàng Buồm (Hà Nội) từ sáng sớm đã có nhiều người ra đường, hình ảnh trái ngược so với những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Phố Hàng Buồm (Hà Nội) từ sáng sớm đã có nhiều người ra đường, hình ảnh trái ngược so với những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trước hết đến hết ngày 15/4/2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.

Hiện nay, đã có hiện tượng người dân một số địa phương không chấp hành nghiêm Chỉ thị, tụ tập đông người, không giữ khoảng cách an toàn, tham gia giao thông đông đúc, ra ngoài đường không đeo khẩu trang… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền các cấp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo đúng quy định, yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, ở tại nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, không tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng… Chính quyền các cấp lưu ý triển khai các biện pháp chống dịch phải đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để người dân hoang mang, đồng thời không để lơi lỏng, bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn, lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, công khai minh bạch về các biện pháp phòng, chống dịch để nhân dân yên tâm, tin tưởng; cần tập trung truyền thông về các nhân viên y tế, lực lượng quân đội (trong đó có biên phòng), công an, những tấm lòng nhân ái, những tấm gương người tốt, việc tốt đồng thời không đưa các tin giật gân, rút tít gây hoang mang; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật.

Không thực hiện dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa có công văn khẩn số 1983/CV-BCĐ gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị không thực hiện dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu.

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo có thể xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại chỗ.

Xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Trạm Nhà văn hóa phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Trạm Nhà văn hóa phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Cả nước hiện có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID- 19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác (Nông nghiệp, Quốc phòng) có 15 phòng, 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định.

Để đảm bảo đầu tư cho công tác xét nghiệm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo việc thực hiện mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm phải cân nhắc kỹ, để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí.

Vào 0 giờ ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai sẽ được dỡ bỏ phong tỏa.

Chiều 11/4, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong đã ký ban hành Quyết định số 1052/QĐ-UBND về việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Việc kết thúc cách ly này có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 12/4.

Theo quyết định trên, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện cách ly y tế đủ 14 ngày, đáp ứng đủ các yêu cầu như quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, quận Đống Đa quyết định kết thúc việc cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai để bệnh viện có thể tiếp tục thực hiện công tác khám, chữa bệnh bình thường.

Bệnh viện Bạch Mai những ngày bị phong tỏa. Ảnh: BV.

Bệnh viện Bạch Mai những ngày bị phong tỏa. Ảnh: BV.

Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế tại Quyết định số 963/QĐ-BYT ngày 18/3/2020 và Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 28/3/2020, về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế.

Theo TS. Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, lệnh dỡ bỏ phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai đáng mừng nhất là đối với người dân và những người bệnh đang chờ được chuyển lên tuyến trên điều trị; đồng thời, tạo điều kiện để Bệnh viện trở lại hoạt động như trước, để nhân dân được hưởng điều kiện khám chữa bệnh tốt nhất. Bệnh viện đã sẵn sàng cho tình huống phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày nữa. Sau khi dỡ bỏ lệnh cách ly, tất cả cán bộ y tế của bệnh viện vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân tới điều trị.

Người dân Hạ Lôi xếp hàng xét nghiệm COVID-19

Nhằm quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 tại ổ dịch ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), 5 đội cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội và 30 đội cơ động đã lấy mẫu xét nghiệm cho từng người dân tại thôn có 5 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Sàng lọc, lấy mẫu dịch xét nghiệm từng người dân thôn Hạ Lôi được lực lượng CDC Hà Nội khẩn trương thực hiện. Ảnh: Lê Phú.

Sàng lọc, lấy mẫu dịch xét nghiệm từng người dân thôn Hạ Lôi được lực lượng CDC Hà Nội khẩn trương thực hiện. Ảnh: Lê Phú.

Thôn Hạ Lôi có tất cả 9 xóm, với 10.872 người dân sinh sống, đây là một trong những thôn có số lượng người sinh sống đông nhất xã Mê Linh.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/dien-bien-dich-covid19-tai-viet-nam-ngay-114-ghi-nhan-them-1-ca-moi-thu-tuong-gui-thu-toi-cong-dong-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-20200411202523747.htm