Điện Biên – ký ức còn mãi

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả dân tộc hướng về kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025), chúng ta thành kính tri ân những người anh hùng đã viết nên bản hùng ca 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', làm rạng danh non sông Việt Nam. Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay đã ở tuổi 'xưa nay hiếm' vẫn giữ nguyên trong tâm khảm ký ức hào hùng về một thời máu lửa, nơi họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Theo thông tin từ ngành chức năng, tỉnh Lạng Sơn có khoảng 660 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện có 10 cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống. Các cựu chiến binh đều ở độ tuổi từ 87 đến 95 tuổi.

“Vinh quang từ máu lửa”

Trong căn nhà nhỏ tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, ông Nguyễn Đức Am, nay đã 87 tuổi, ngồi trầm ngâm bên khung ảnh cũ. Đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào xen lẫn sự xúc động khi nhắc về những ngày tháng không thể nào quên ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Là một cựu chiến binh, từng là pháo thủ và khẩu đội trưởng đại đội trợ chiến thuộc Trung đoàn 98, ông Am mang trong mình ký ức hào hùng của một thời tuổi trẻ, nơi máu và lửa đã tôi luyện nên ý chí bất khuất của dân tộc.

Kể lại với chúng tôi, ông Am cho biết, năm 1953, khi mới 15 tuổi, ông Am đã sớm khoác lên mình màu áo lính. Nhập ngũ với lòng nhiệt huyết cháy bỏng, ông cùng đồng đội bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần "đánh nhanh, thắng nhanh". Sau đó một thời gian, vào ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”. Lúc ấy, ông Am cũng như nhiều đồng đội không khỏi ngỡ ngàng: "Chúng tôi còn trẻ, chưa thấu hiểu ý nghĩa của sự thay đổi ấy nhưng là lính, mệnh lệnh của cấp trên là tuyệt đối. Chúng tôi tin tưởng và chấp hành".

Những ngày ở Điện Biên, dưới mưa bom, bão đạn, ông Am và đồng đội gắn bó bên những khẩu pháo, mỗi phát đạn bắn ra là một nhịp đập của trái tim quyết thắng. Ký ức sâu sắc nhất cũng là nỗi đau và niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời ông là khoảnh khắc người khẩu đội trưởng của ông hy sinh. "Đó là một ngày ác liệt", ông kể, giọng nghẹn lại. "Anh ấy bị thương nặng, máu thấm đỏ cả áo. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh nắm chặt tay tôi, trao lại vị trí khẩu đội trưởng và một quyển Điều lệ Đảng. Anh dặn: “Am, giữ vững trận địa, đánh giặc đến cùng!”

Giữa trận địa ác liệt, sự hy sinh của người khẩu đội trưởng như ngọn lửa thổi bùng ý chí trong ông Am. Ông nhận lấy trách nhiệm, siết chặt quyển Điều lệ Đảng còn ấm hơi người đồng đội và tiếp tục chỉ huy khẩu đội. "Tôi không cho phép mình gục ngã", ông nói, ánh mắt kiên định. "Mỗi phát pháo bắn ra, tôi như thấy anh ấy vẫn đang ở bên, cùng chúng tôi chiến đấu". Với lòng quả cảm và sự tận tụy, ông Am đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào chiến thắng vang dội của dân tộc.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Am xem lại bức hình kỷ niệm chụp bên những người đồng đội cũ

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Am xem lại bức hình kỷ niệm chụp bên những người đồng đội cũ

Giờ đây, khi tóc đã bạc trắng, ông Am vẫn giữ những tấm hình chụp chung với những người đồng đội cũ và những kỷ vật của một thuở chiến trường. Đó là biểu tượng của lòng trung thành, của tinh thần thép mà thế hệ ông đã dành trọn cho Tổ quốc.

Nhìn lại những ngày tháng hào hùng, ông mỉm cười: "Chúng tôi đã chiến đấu không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau, để đất nước này mãi hòa bình".

Mãi tự hào “Chiến sĩ Điện Biên”

Ở tuổi 94, ông Phùng Long, cựu chiến binh hiện trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn vẫn lưu giữ những ký ức sống động về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Với vai trò pháo thủ dự bị nghi binh thuộc Trung đoàn 45, Đại đoàn 351, ông Long cùng đơn vị đã trải qua những ngày tháng khốc liệt, nơi mỗi phát đạn là một nhịp đập của lòng quả cảm, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ phục vụ các đợt tấn công vào những cứ điểm then chốt như: A1, C1, E1, chế áp pháo binh địch, đồng thời sát thương và tiêu diệt lực lượng cơ động của quân địch tại khu vực trung tâm phía Đông sân bay Mường Thanh.

Là một pháo thủ dự bị nghi binh, ông Long cùng đồng đội không chỉ đảm nhận việc bắn pháo hỗ trợ mà còn tham gia vào các trận đánh nghi binh, thu hút hỏa lực địch để bảo vệ các hướng tiến công chính.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh lừa kẻ thù", ông Long hồi tưởng, giọng trầm ấm. "Mỗi phát pháo bắn ra, chúng tôi biết mình đang kéo bom đạn về phía mình nhưng chẳng ai chùn bước". Những trận pháo chính xác vào các cứ điểm A1, C1, E1 góp phần đập tan tuyến phòng thủ kiên cố của địch, chế áp pháo binh địch, tiêu diệt một lực lượng cơ động tại trung tâm phía Đông sân bay Mường Thanh, mở đường cho các đơn vị bộ binh tiến công. "Mỗi lần nhả đạn, tôi như thấy đồng đội đã ngã xuống đang ở bên, cùng chúng tôi chiến đấu", ông nói, giọng kiên định.

Trong số những kỷ vật của cuộc đời binh nghiệp, chiếc huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên" là vật ông Long trân quý nhất, dù sau này ông được trao tặng nhiều huân huy chương cao quý. "Chiếc huy hiệu này là cả tuổi trẻ của tôi, là máu và nước mắt của đồng đội", ông chia sẻ, tay nâng niu kỷ vật. "Nó nhắc tôi về những ngày chúng tôi sống và chiến đấu vì hòa bình, vì đất nước". Với ông, huy hiệu không chỉ là phần thưởng mà là biểu tượng của tình đồng đội, của lòng trung thành và sự hy sinh thầm lặng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khép lại với chiến thắng vang dội nhưng ký ức về những ngày tháng ấy vẫn sống mãi trong lòng ông Phùng Long. Hồng Cúm, A1, C1, E1 – những địa danh ấy không chỉ là tên gọi mà là nơi ông và đồng đội đã viết nên bản anh hùng ca bằng máu và lửa. "Tôi may mắn được sống để kể lại câu chuyện này", ông nói, ánh mắt xa xăm. "Nhưng tôi kể để thế hệ sau biết rằng, hòa bình hôm nay được đổi bằng biết bao hy sinh".

Cựu chiến binh Phùng Long kể về chiếc huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên"

Cựu chiến binh Phùng Long kể về chiếc huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên"

Anh Hoàng Đình Vũ - một đoàn viên thanh niên khối 3, phường Tam Thanh xúc động chia sẻ: “Những ngày tháng 5 lịch sử, được nghe các ông, các bác cựu chiến binh kể về một thời máu lửa, tôi càng thêm biết ơn thế hệ đi trước đã hi sinh máu xương để thế hệ trẻ chúng tôi có được ngày hôm nay. Chúng tôi nguyện ra sức học tập và rèn luyện để cống hiến, xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp, sao cho xứng đáng là thế hệ tiếp nối của các bác!”

Người lính công binh ngời sáng “hào khí Điện Biên

Cũng tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, cựu chiến binh Hoàng Anh Trọng, nay đã 94 tuổi vẫn giữ trong tim những ký ức không thể nhật phai về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Là một chiến sĩ công binh thuộc Đại đoàn 304, ông Trọng được giao nhiệm vụ đào hầm chứa pháo, đạn, góp phần xây dựng những trận địa vững chắc cho cuộc chiến lịch sử. Ký ức sâu sắc nhất, cũng là nỗi đau và niềm tự hào lớn lao của ông là trận đánh nghi binh tại khu vực Hồng Cúm, nơi ông và đồng đội đã đối mặt với lằn ranh sinh tử.

Những đường hầm kiên cố chứa pháo và đạn được tạo nên từ bàn tay rắn rỏi và ý chí thép của ông và đồng đội, bất chấp hiểm nguy từ bom đạn địch. Nhiệm vụ của họ không chỉ là chuẩn bị hậu cần mà còn là bảo vệ an toàn cho những khẩu pháo - linh hồn của trận chiến. Ký ức không thể quên của ông Trọng gắn liền với trận đánh nghi binh tại khu vực Hồng Cúm, sau đợt tấn công cứ điểm Him Lam (13 - 14/3/1954). Ông và hai đồng chí khác được giao nhiệm vụ đặc biệt đó là bắn pháo tạo trận địa giả để thu hút hỏa lực địch, đánh lạc hướng chúng khỏi các hướng tấn công chính.

"Chúng tôi nhận lệnh với tinh thần sẵn sàng", ông kể, ánh mắt xa xăm. "Khi pháo ta từ các hướng đồng loạt nã vào cứ điểm địch, chúng tôi cũng khai hỏa. Tiếng pháo vang trời, khói bụi mịt mù. Chúng tôi biết mình đang kéo bom đạn về phía mình nhưng đó là mệnh lệnh, là trách nhiệm".

Kế hoạch nghi binh thành công nhưng cái giá phải trả quá đắt. Quân địch bị đánh lừa, dồn toàn lực phản pháo, nã đạn và thả bom liên tiếp vào khu vực Hồng Cúm. "Bom đạn như xé toạc bầu trời", ông Trọng kể, đôi tay run run. "Tôi cảm thấy sức ép khủng khiếp, máu chảy ra từ tai, từ mũi, rồi không còn biết gì nữa". Khi tỉnh lại, ông đã được đưa về tuyến sau điều trị và biết cả tổ đã hy sinh. Ông nghẹn ngào: "Họ là những người anh em cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng đối mặt hiểm nguy. Vậy mà tôi là người duy nhất còn sống".

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử nhưng ký ức của những người lính Điện Biên năm xưa vẫn sống mãi. Họ là minh chứng sống cho lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của một thế hệ. Từ câu chuyện của những người cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ được bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, nghiêng mình trước những chiến công, trước những hy sinh mất mát của cha, anh đã ngã xuống và luôn mãi tự hào về "một thời hoa lửa" oanh liệt của quân và dân ta. Từ đó thêm quyết tâm trở thành người có ích, xứng đáng với máu xương cha, ông ta đã đổ xuống vì nền độc lập dân tộc.

DIỆP HẰNG - NGUYỄN TRINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dien-bien-ky-uc-con-mai-5046215.html