Điện Biên Phủ - Đi giữa những tháng ngày lịch sử - Bài 3
Bài 3: Vọng tiếng quân reo!
“Tiếng reo núi vọng sông rền/Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ/Bác đang cúi xuống bản đồ/Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo...”. Những câu thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu như khúc tráng ca khải hoàn của dân tộc ta, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. 70 năm đã qua, những ngày tháng 4 lịch sử, đi giữa Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam vẫn vang vọng hào khí Điện Biên Phủ năm xưa, tiếng quân reo vọng gió ngàn!
Ông Hoàng Văn Bảy (giữa) và ông Nguyễn Hồng Thái (bìa phải) trao đổi bên lề hội thảo khoa học cấp quốc gia về Chiến thắng Điện Biên Phủ
“Quyết chiến, quyết thắng”
Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia về Chiến thắng Điện Biên Phủ mới đây, Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã không ngăn được những giọt nước mắt xúc động khi nhớ đến các đồng đội đã anh dũng hy sinh, nhớ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhớ lại: “Khi toàn chiến dịch chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc”, công việc chuẩn bị chiến đấu thật gian khổ, vất vả. Việc làm đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, giao thông hào suốt ngày đêm, mọi người dù mệt mỏi nhưng ai cũng háo hức mong chờ ngày nổ súng. Sau khi đọc thư của Bác Hồ và lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung đoàn tiến lên cứ điểm 3 Him Lam…”.
Dù tuổi cao nhưng giọng nói đầy hùng hồn của người chiến sĩ Điện Biên làm sôi động cả hội trường. Những tràng pháo tay vang lên sau lời kể về trận đánh cứ điểm Him Lam của Đại tá Nguyễn Hữu Tài: “Giữa lúc quân đội xuất phát thì tiếng đàn, tiếng hát của đội văn công ở góc chiến hào cũng vang lên. Quân ta vừa reo vừa chạy ra chiến trường, vừa hát theo đội văn công, không khí thật oai hùng. Lần đầu tiên trong quân đội chúng ta có một trận chiến đấu vừa có tiếng pháo, tiếng quân reo và tiếng đàn hát. Cảnh tượng xuất quân hùng tráng chưa từng có…”.
Điều làm Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhớ nhất chính là quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chính sự lãnh đạo thiên tài của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết định sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp các chiến sĩ Điện Biên năm xưa làm nên chiến thắng lịch sử sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,” chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
(Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312)
Tự hào ngày gặp mặt
Hòa trong màu áo xanh trở lại thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, ông Hoàng Văn Bảy (93 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An) và ông Nguyễn Hồng Thái (93 tuổi, quê Hải Phòng), đều là chiến sĩ Điện Biên, từng tham gia mũi chủ công đánh chiếm đồi A1 không khỏi xúc động, tự hào, ôn lại những năm tháng chiến đấu gian khổ nơi chiến trường xưa. Ông Hoàng Văn Bảy cho biết: “Trở lại nơi bạn bè, đồng đội đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc, chúng tôi hôm nay còn có mặt là một điều rất may mắn. Chúng tôi cũng tự hào là một chiến sĩ Điện Biên đã tham gia chiến đấu trên mảnh đất này. Sau 70 năm chúng tôi còn gặp lại, cùng tham gia chia sẻ về những trận đánh năm xưa quả là hiếm có và vô cùng quý giá…”.
Ông Bùi Kim Điều (94 tuổi, chiến sĩ thông tin, Đại đoàn 312): “Tại cứ điểm đồi Độc Lập, Pháp bố phòng kiên cố, hầm hào nhiều nên ta đánh 2 ngày đêm chưa chiếm được. Địch ở phía trên đồi quăng lựu đạn xuống thuận lợi hơn quân ta ở dưới bắn lên, chỉ bắn vào tường hào mà không trúng địch. Vì vậy, cấp trên đã ra lệnh thay đổi cách đánh và đã giành chiến thắng. Sau đó, đơn vị được vinh dự mừng chiến thắng ở Mường Phăng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, được Đại tướng khen ngợi, biểu dương thành tích và đó là những ký ức không bao giờ phai. Thế hệ trẻ hôm nay phải biết tự hào, ghi nhớ và phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.
Bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lần nào trở về với Điện Biên Phủ, cảm xúc của tôi vẫn y nguyên, xúc động nhớ về lời dặn của Bác Hồ với Đại tướng là “Phải dựa vào dân, có dân thì có tất cả”; “giặc Pháp muốn tập trung thì chúng ta buộc chúng phải phân tán”. Điện Biên hôm nay đã thay đổi nhiều nhưng tôi mong muốn du lịch Điện Biên phát triển hơn nữa, khai thác những mẩu chuyện năm xưa của các chiến sĩ Điện Biên. Khi giới thiệu về Điện Biên Phủ với du khách phải thấy được vai trò của Trung ương Đảng, của Bác Hồ và Đại tướng, của các thế hệ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ đó, giáo dục về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân đội ta cho thế hệ trẻ hôm nay với những bài học quý giá thông qua những cách thức, hình thức tuyên truyền mới mẻ, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để tạo nên niềm yêu thích trong các bạn trẻ…”.
Nhớ về những năm tháng nơi chiến hào gian khổ, ông Nguyễn Hồng Thái chia sẻ: “Có những ngày hầm hào đầy nước, cơm trộn nước mưa, thậm chí lấm bùn nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu kiên cường suốt 56 ngày đêm. Tôi còn sống đến ngày hôm nay là nhờ đồng chí trung đoàn trưởng của mình đã đè lên người tôi, che chắn cho tôi khi chúng tôi đi kiểm tra và bị phục kích. Sau khi giải phóng Điện Biên, chúng tôi tiếp tục được điều động trở lại để khôi phục mảnh đất này từ lấp những hố bom, gỡ những quả mìn, tháo từng dây thép gai và xây dựng nông trường Điện Biên. Lần này trở lại thấy Điện Biên thay đổi rất nhiều, đời sống nhân dân được nâng lên chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào…”.
Ông Nguyễn Hồng Thái cũng nhắn nhủ với thế hệ trẻ hôm nay đang được sống trong hòa bình là điều quý giá nhất. Vì vậy, tuổi trẻ cần phải biết phấn đấu không ngừng, trau dồi lý tưởng, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông đi trước… (còn tiếp)