Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan

Chương Tám: Mở cửa

Đêm 11 tháng 3, bộ đội 312 tiến hành đào trận địa xuất phát xung phong. Các chiến hào trước đó vẫn nằm ẩn mình dưới tán cây rừng, những chỗ trống đều được ngụy trang cẩn thận, nay đổ xuống cánh đồng đâm thẳng vào cứ điểm địch. Lúc này địch mới biết trận đánh nhắm vào Him Lam sắp bắt đầu. Suốt ngày 12, địch cho máy bay, đại bác bắn phá các cửa rừng, nơi chúng nghi ngờ có quân ta và đưa bộ binh, xe ủi đất ra san lấp trận địa chiến hào ta vừa đào.

Cônhi đã có mặt kịp thời ở Điện Biên Phủ. Cônhi bàn với Đờ Cát cách sử dụng lực lượng phản kích khi bị tiến công, rồi tới Him Lam kiểm tra lại công trình phòng ngự và động viên binh lính. Khi chiếc Đakôta nổ máy, Cônhi ngồi trong máy bay giơ tay vẫy chào Đờ Cát thì những trái đạn lao xuống đường băng. Một chiếc Morane bùng cháy, một chiến khác gãy cánh. Trong lúc mọi người nằm rạp trên mặt đất, viên phi công mở hết ga thoát khỏi đường băng. Cônhi chưa biết mình đang vĩnh biệt con nhím Điện Biên Phủ, vì từ ngày sau đó mỗi lần xuống sân bay Mường Thanh là một lần đùa giỡn với tử thần.

Những chiếc máy bay trực chiến vội cất cánh bắn vu vơ vì không biết những trái đạn bỗng từ đâu xuất hiện. Theo Giuyn Roa, những chuyên gia chụp ảnh bằng máy bay trinh sát giỏi nhất ở Triều Tiên đã được đưa sang Đông Dương. Họ khuyên người Pháp nên chụp cùng lúc cả hai loại phim màu và đen trắng, hoặc dùng tia hồng ngoại. Những chiếc Bearcat đã liều chết bay là là các mỏm núi để làm việc này. Nhưng cho tới ngày 18 tháng 2, vẫn chưa phát hiện được một trận địa pháo nào dưới tán cây rừng.

17 giờ 05 phút ngày 13-3-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Đêm 12, đại đoàn 312 tiếp tục đào trận địa xuất phát xung phong.

Sáng 13 tháng 3 năm 1954, tôi đến cơ quan tác chiến sớm hơn thường lệ. Các phòng trong đường hầm đều sáng ánh đèn. Trong những ô nhỏ khoét vào vách hầm, cán bộ trợ lý tác chiến đã ngồi bên máy điện thoại bắt thẳng tới từng đại đoàn và pháo binh. Trên mặt mọi người lộ vẻ trang nghiêm, sẵn sàng đi vào trận đánh.

Các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, Cục trưởng Tác chiến cũng đã có mặt ở phòng họp nằm ở nơi gặp nhau giữa ba nhánh đường hầm. Mở đầu buổi giao ban, Cục trưởng Tác chiến Trần Văn Quang báo tin ngày 12 tháng 3, Nava đã cho quân đổ bộ lên bờ biển Quy Nhơn, tiếp tục thực hiện đợt hai chiến dịch Átlăng.

Quyết định này hẳn có được tính toán. Mùa khô 1953-1954 sắp kết thúc, Nava thấy mình đã lỡ nhiều nước cờ. Cuộc hành binh Hải ly không bảo vệ được Lai Châu và Thượng Lào. Lực lượng cơ động mạnh chưa từng có tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị phân tán trên khắp các chiến trường. Nava bắt đầu hoài nghi sức mạnh của con nhím Điện Biên Phủ từ khi có những tin tức đáng tin cậy: “Việt Minh mới nhận được pháo cao xạ 37 milimét, có thể cả trọng pháo và những dụng cụ chiến tranh cơ giới hóa". Ông ta chỉ còn mong cuộc tiến công sẽ không nổ ra. Kể cả trong trường hợp may mắn đó, mùa khô này, Nava cũng đã bị thua thiệt quá nhiều! Chưa có tổng chỉ huy nào của quân viễn chinh Pháp nuôi nhiều tham vọng như Nava. Và cũng chưa một ai ngay từ bước khởi đầu đã nhanh chóng lâm vào thế bế tắc đến như vậy. Nava buộc phải làm gì để cứu vãn tình hình trước khi nó trở nên xấu hơn. Nếu chiếm được ba tỉnh tự do miền Trung, Nava sẽ làm được một việc mà tất cả những người tiền nhiệm chưa dám nghĩ tới. Nava sẽ có vật đối trọng ngay cả khi quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ. Đợt hai chiến dịch Átlăng chính là cái có thể đem lại cho Nava cơ may cuối cùng.

Như một con bạc khát nước, Nava dồn tất cả vốn liếng còn lại vào canh bạc Átlăng!

Tôi vui vẻ nói:

- Đây là một tin mừng. Chúng ta nhất định sẽ thắng lớn!

Anh Lê Liêm xuống 312 dự cuộc họp đảng ủy đại đoàn trước trận đánh mới trở về, nói tinh thần bộ đội rất tốt, từng tổ ba người, từng chiến sĩ đều viết quyết tâm thư hứa kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Bộ tư lệnh đại đoàn đã chia nhau xuống các đơn vị. Đại đoàn trưởng xuống trung đoàn 209, chính ủy xuống trung đoàn 141, đại đoàn phó đi cùng trung đoàn 165, đơn vị sẽ phối thuộc với 308 đánh đồi Độc Lập.

Anh Đặng Kim Giang nói đạn và gạo trong các kho đã đủ cho đợt 1.

Anh Hoàng Văn Thái cho biết tình hình địch trong ngày 12 chưa có gì thay đổi, và đêm qua, 312 đã lợi dụng sương mù đào lại trận địa xuất phát xung phong.

Mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh chiều nay đã hoàn tất. Tôi trở về hầm chỉ huy.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954 đối với tôi là một ngày rất dài.

Trước mặt tôi là tấm bản đồ Điện Biên Phủ trải rộng. Bên cạnh, có bản yếu đồ hỏa lực pháo ghi số lượng đạn đại bác được phê chuẩn cho trận đánh mở màn: 2.000 viên!

(Còn nữa)

PV

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ho-so-tu-lieu/dien-bien-phu-diem-hen-lich-su-116028.html