Điện Biên Phủ trở thành chất liệu hấp dẫn với sách tranh
Dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều cuốn sách tranh cho thiếu nhi được phát hành, kể câu chuyện lịch sử một cách gần gũi, sinh động.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã cho ra mắt nhiều phiên bản truyện tranh, sách tranh. Với khoảng 40.000 bản cho hơn 20 đầu sách, có thể thấy NXB đã đưa ra khoản đầu tư đáng kể trong việc khai thác các chất liệu lịch sử.
Điều này cũng phần nào phản ánh sức nóng trong thị trường sáng tạo các tác phẩm gắn với giáo dục lịch sử, đặc biệt là thể loại truyện tranh. Trong đó, quá trình chiến đấu trên vùng núi Tây Bắc và đặc biệt là chiến thắng Điện biên Phủ đã mở rộng chiều kích cho các họa sĩ và nhà văn để sáng tạo tác phẩm.
Gửi thông điệp gần gũi
Các cuốn truyện tranh, sách tranh lấy cảm hứng từ sự kiện Điện Biên Phủ nói riêng đều tập trung vào những bài học cụ thể thông qua các nhân vật gần gũi với học sinh. Trong đó, lý tưởng sống, tuổi trẻ, tình yêu quê hương, lòng biết ơn là những thông điệp cốt lõi.
Theo Bà Nguyễn Thanh Hương - Biên tập viên Ban biên tập sách Tranh NXB Kim Đồng - đối với các em thiếu nhi, việc kể chuyện kèm tranh minh họa luôn là hình thức sách gây hứng thú nhiều nhất. Vì vậy, trong dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lần này, NXB đã triển khai các đề tài truyện tranh về Điện Biên Phủ dưới dạng chuyện kể lời ngắn gọn kèm minh họa màu sinh động về chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu này” qua cuốn Kể chuyện Điện Biên Phủ (lời: Hữu Mai – Tranh: Nguyễn Thế Phương và nhóm họa sĩ).
Ngoài ra, NXB cũng hướng tới chủ đề tấm gương anh hùng liệt sĩ như: Bế Văn Đàn,Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót. Mỗi cuốn sách kể câu chuyện về cuộc đời và sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú của quê hương. Qua đó, thông điệp giáo dục về tuổi trẻ, sống với lý tưởng được thể hiện rõ ràng.
Các cuốn truyện tranh lịch sử lấy cảm hứng từ Điện Biên Phủ thường tập trung khắc họa những gian khổ, thiếu thốn, khó khăn của quân dân Việt Nam trong chiến dịch. Từ bối cảnh đó, các tác giả muốn nhấn mạnh vào tinh thần quả cảm, vượt mọi gian khổ, sẵn sàng hi sinh của cá nhân mỗi con người. Hình ảnh một dân tộc anh hùng, một đất nước anh hùng hiện lên trong lòng các bạn đọc nhỏ tuổi. Các cuốn sách truyền cảm hứng và động lực phấn đấu cho các em để tiếp nối thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
“Việc viết lời và vẽ minh họa cho sách lịch sử luôn là thách thức với đội ngũ cộng tác viên sáng tác của Nhà xuất bản. Vì đây là thể loại sách đòi hỏi phải nghiên cứu, tra cứu, tìm tòi hình thức thể hiện sao cho vừa đúng vừa hợp với tầm tiếp nhận của các bạn đọc nhỏ tuổi”, Bà Nguyễn Thanh Hương cho biết.
Đa dạng hình thức kể chuyện lịch sử cho lớp trẻ
Bên cạnh các bộ truyện lấy cảm hứng từ sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhiều tác phẩm ở các hình thức khác nhau như văn xuôi, thơ, kí cũng được ra mắt hoặc tái bản. Một số tác phẩm nổi bật có thể kể đến như Điện Biên Phủ - Thời gian và không gian, Hoa Ban Đỏ, Người người lớp lớp…
Dù vậy, trên thị trường sách Việt Nam hiện nay, thể loại tiểu thuyết đồ họa, sách tranh lấy yếu tố lịch sử không nhiều. Dung lượng của một tác phẩm vẫn còn hạn chế trong khoảng 20-30 trang. Trong khi đó, một số cuốn sách tranh thành công được tái bản nhiều năm nay. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều phía, trong đó chi phi xuất bản và dung lượng thị trường đối với thể loại này chưa đủ hấp dẫn đối với các đơn vị.
Tại thị trường Mỹ và châu Âu, ngành xuất bản khá ưa chuộng thể loại này. Năm 2015, bộ tiểu thuyết đồ họa March ra mắt đã gây được tiếng vang lớn đối với cộng đồng yêu sách. Bộ truyện bán chạy số 1 của New York Times kể về Nghị sĩ John Lewis, một biểu tượng của nước Mỹ trong các phong trào đấu tranh việc làm. Năm 2019, cuốn White Bird lấy bối cảnh lịch sử Thế chiến thứ hai của họa sĩ RJ Palacio cũng được chú ý. Cuốn sách còn được chuyển thành phiên bản tiểu thuyết và đang trong quá trình chuyển thể lên màn ảnh rộng.
Đồ họa không phải là một khái niệm mới trong truyền thông đại chúng. Một số kênh thông tin tại Việt Nam cũng đã vận dụng hình thức đồ họa để truyền tải kiến thức lịch sử. Lượng tiếp cận đạt từ 200.000 - 400.000 lượt xem/video.
Xuất bản có thể tiếp cận phương thức thể hiện thông tin để mở rộng lớp công chúng 5-11 tuổi đến 12-16 tuổi. Đặc điểm của lớp công chúng này là thích sử dụng ngôn ngữ đa phương tiện. Tiểu thuyết đồ họa có thể là phương thức phù hợp với nhiều cửa tiếp nhận và đáng để thử nghiệm.
Chuyển thể tác phẩm văn học thành những loại hình khác cũng là một hướng đi đáng để cân nhắc. Trong năm vừa qua, bộ phim Đào, Phở và Piano mở ra một góc nhìn mới về điện ảnh trong nước, đặc biệt là các phim lịch sử. Trước đó, bộ phim Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ cũng đã ghi dấu mạnh mẽ trong lòng khán giả. Nhờ nhũng tiền đề trên, các sản phẩm đi sau lấy cảm hứng từ văn học thời chiến dễ gây tiếng vang. Điều này giúp bản thân nguyên tác sẽ được biết đến rộng rãi hơn.