Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 15/7

Đồng USD dao động gần mức cao nhất trong 3 tuần so với các đồng tiền chủ chốt, giá vàng tăng nhẹ lên khoảng 3.350 USD/oz hay thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ... là một số diễn biến tài chính tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong sáng 15/7.

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Thị trường ngoại hối

Sáng thứ Ba, đồng USD dao động gần mức cao nhất trong 3 tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày để dự đoán lộ trình chính sách tiền tệ sắp tới.

Bạc xanh cũng được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao, trong khi các nhà đầu tư đang cân nhắc kịch bản ông Jerome Powell có thể rời khỏi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục các chỉ trích nhắm vào chủ tịch ngân hàng trung ương.

Đô la Úc (AUD) đã giảm nhẹ từ mức đỉnh 8 tháng đạt được vào tuần trước, trước thời điểm công bố báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Úc.

Trong khi đó, Bitcoin (BTC) giao dịch ở mức 120.067 USD, sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại là 123.153,22 USD vào thứ Hai do các nhà đầu tư dự kiến sẽ có những đột phá về chính sách pháp lý cho ngành tiền điện tử trong tuần này.

Vào đầu phiên giao dịch châu Á, đồng USD ít thay đổi, giao dịch ở mức 147,75 yên Nhật (JPY), ngay dưới mức cao nhất kể từ ngày 23/6 là 147,78.

Chỉ số Đô la Mỹ (DXY), theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, đứng ở mức 98,104, ngay dưới mức đỉnh qua đêm là 98,136 - mức cao nhất kể từ ngày 25/6.

Euro ổn định ở mức 1,1662 USD sau khi đã trượt xuống 1,1650 USD vào thứ Hai, mức thấp nhất kể từ ngày 25/6.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông dự kiến lạm phát sẽ tăng trong mùa hè này do tác động của thuế quan và Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến cuối năm. Theo khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế dự báo lạm phát toàn phần sẽ tăng lên 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 2,4% của tháng trước. Lạm phát lõi dự kiến tăng lên 3,0% từ 2,8%.

Hôm thứ Hai, ông Trump đã tiếp tục công kích ông Powell, nói rằng lãi suất nên ở mức 1% hoặc thấp hơn, thay vì biên độ 4,25% - 4,50% mà Fed đã duy trì từ đầu năm đến nay.

Các nhà giao dịch hợp đồng lãi suất trên thị trường tương lai dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm, với đợt cắt giảm đầu tiên dự kiến vào tháng 9.

Trong một diễn biến khác, dữ liệu vừa được công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,2% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với mức 5,4% trong quý I, nhưng vẫn cao hơn một chút so với kỳ vọng của các chuyên gia phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là tăng 5,1%.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Nhật Bản chỉ tăng 0,12% trong phiên ngày thứ Ba do nhóm cổ phiếu công nghệ chững lại khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm công bố kết quả bầu cử trong nước và dữ liệu lạm phát tại Mỹ.

Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,12% lên 39.507,28 điểm. Trước đó trong phiên, chỉ số này từng tăng tới 0,46%, nhờ lực kéo từ hợp đồng tương lai Nasdaq tăng trong phiên giao dịch châu Á.

Chỉ số chứng khoán tương lai Mỹ đi lên sau khi “gã khổng lồ” chip AI Nvidia thông báo sẽ nối lại hoạt động bán dòng chip xử lý đồ họa H20 tại thị trường Trung Quốc.

“Đà tăng của Nasdaq là yếu tố hỗ trợ tích cực cho Nikkei, nhưng thị trường Nhật Bản nhìn chung vẫn khá dè dặt khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ và kết quả bầu cử quốc gia,” ông Takamasa Ikeda, Giám đốc danh mục cấp cao tại GCI Asset Management nhận định.

Các nhà đầu tư toàn cầu đang hướng sự chú ý tới số liệu lạm phát tháng 6 của Mỹ, dự kiến công bố trong ngày, và theo dõi xem liệu áp lực lạm phát có phải từ các biện pháp thuế quan hay không.

Tại Nhật Bản, thị trường cũng lo ngại về khả năng đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác liên minh Komeito có thể đánh mất đa số ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 20/7 tới.

Nếu thất bại, phe đối lập, vốn đang vận động tranh cử với cam kết cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế tiêu dùng có thể giành được thêm quyền lực.

Về diễn biến cổ phiếu, Tokyo Electron - nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip - tăng 1,72%, trở thành cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào đà tăng của Nikkei. Nhóm cổ phiếu sản xuất cáp – vốn được xem là thước đo đầu tư vào trung tâm dữ liệu – tăng mạnh, trong đó Furukawa Electric tăng 4,95% và Fujikura tăng 3,4%.

Chiều ngược lại, dẫn đầu đà giảm là cổ phiếu Ryohin Keikaku - công ty điều hành chuỗi bán lẻ Muji (giảm 4%)

Thị trường vàng

Trong phiên châu Á sáng ngày 15/7, giá vàng tăng nhẹ lên khoảng 3.350 USD/oz do nhu cầu tài sản an toàn tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế “thứ cấp” lên tới 100% đối với Nga nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột Ukraine trong 50 ngày tới.

Thị trường đang tập trung vào dữ liệu lạm phát CPI Mỹ tháng 6 được công bố vào tối nay để có thêm thông tin về lộ trình lãi suất của Fed trong thời gian tới và tác động tới thị trường vàng.

CDT

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-bien-thi-truong-tai-chinh-tien-te-quoc-te-sang-157-167319.html