Tháo gỡ rào cản, hỗ trợ đầu tư xanh
Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo 'Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường'.

Phó Chủ tịch Quốc Hội ông Lê Minh Hoan phát biểu. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Hội thảo nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 131/2024/QH15 của Quốc hội thành lập đoàn giám sát chuyên đề: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, nông nghiệp môi trường là một trong những giải pháp kỹ thuật, vừa mang tính kinh tế, vừa đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, do vậy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
"Trước khi đợi những chính sách vĩ mô hay công nghệ đắt tiền, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, dễ làm, không cần nhiều vốn, không cần đợi ai chỉ đạo", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các thành viên Đoàn giám sát sẽ chắt lọc những vấn đề cốt lõi thu nhận được từ Hội thảo này để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo giám sát cũng như hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách một cách kịp thời và đồng bộ.
Sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục ưu tiên sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để tháo gỡ rào cản, hỗ trợ đầu tư xanh và tăng cường giám sát thực thi, đảm bảo rằng nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng mà còn góp phần thực hiện tầm nhìn phát triển quốc gia đến năm 2045.
Tại hội thảo, ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy bản Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nông nghiệp được xác định là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế vì Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó có định hướng đến hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp có thể gây ra một số tác động không mong muốn đến môi trường, sức khỏe con người. Do đó, tích cực bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết và được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan, với vai trò là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là trung tâm trong chiến lược phát triển của mình. Hiện nay, Học viện đang triển khai đào tạo hơn 70 ngành học ở cả 3 trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; trong đó có các ngành mũi nhọn như khoa học môi trường, quản lý đất đai, công nghệ sinh học, phát triển nông thôn bền vững – trực tiếp phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Học viện đang tích cực nghiên cứu và phát triển các công cụ đo lường – báo cáo – thẩm định (MRV) phục vụ cơ chế tín chỉ carbon trong nông nghiệp – một nội dung quan trọng góp phần hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết, với quan điểm coi bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết trong phát triển ngành trồng trọt; đẩy mạnh các giải pháp canh tác bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, các bộ, ngành có liên quan tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về sản xuất trồng trọt bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và tuần hoàn; lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường vào các chiến lược, chương trình, dự án phát triển trồng trọt; đề xuất, tham mưu ban hành các cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Đồng thời thời xây dựng, ban hành danh mục vật tư khuyến khích sử dụng trong canh tác bền vững; tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển các tiến bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, ít phụ thuộc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và xây dựng mạng lưới trung tâm đổi mới công nghệ nông nghiệp xanh...
Tiến sĩ Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, rà soát các quy định và tiếp thu các ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp và người dân để xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi, Luật Thú y; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiên, công nghệ sạch, trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, xử lý chất thải chăn nuôi, khuyến khích phát triển rộng rãi các mô hình chăn nuôi VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Cùng với đó, ông Phạm Kim Đăng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường nguồn lực và đầu tư cho phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt các chính sách nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực xử lý chất thải chăn nuôi và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tiến sĩ Nguyễn Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) kiến nghị bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất trồng trọt "Hồ sơ sức khỏe đất"; tăng cường bổ sung hữu cơ cho đất; bón phân cân đối; áp dụng các mô hình canh tác đã có như canh tác trên đất dốc, Nông - Lâm kết hợp; phục hồi thoái hóa đất; áp dụng công nghệ mới để quản lý "sức khỏe đất" như trí tuệ thông minh, viễn thám...; nghiên cứu phát triển phân bón có hiệu quả cao; thử nghiệm, đánh giá lựa chọn các biện pháp kỹ thuật, công nghệ mơíđể ngăn chặn, phục hồi các nguy cơ suy thoái sức khỏe đất...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho hay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; thúc đẩy các mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững với các chương trình trọng điểm như chương trình phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất.
"Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp; bổ sung nguồn lực ngân sách, công nghệ và cơ chế tài chính xanh để hỗ trợ các mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn", Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thao-go-rao-can-ho-tro-dau-tu-xanh/380465.html