Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 23/7
Đồng USD suy yếu so với yên Nhật, thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng một năm hay giá vàng tăng vượt mức 3.400 USD/oz... là một số diễn biến tài chính - tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong sáng 23/7.

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế
Thị trường ngoại hối
Trong phiên giao dịch sáng thứ Tư, đồng USD suy yếu so với yên Nhật sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại với Nhật Bản trước thềm hạn chót thuế quan.
Bạc xanh là một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất kể từ khi ông Trump công bố hàng loạt mức thuế đối với các đối tác thương mại vào ngày 2/4, để rồi sau đó trì hoãn và tạm dừng hầu hết các loại thuế này khi chính quyền của ông theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương.
Trong một bài đăng trên Truth Social, ông Trump cho biết mức thuế 15% sẽ được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, giảm so với mức 25% dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Ông cũng nói thêm rằng quốc gia châu Á này sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ.
Ngành công nghiệp ô tô và vấn đề nhập khẩu gạo của Nhật Bản đang là những điểm vướng mắc trong các cuộc đàm phán thương mại kéo dài với Mỹ. Trong bài đăng của mình, ông Trump cho biết Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường cho ô tô, xe tải, gạo và một số sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ. Theo một nguồn tin, mức thuế đối với ô tô Nhật Bản sẽ được ấn định là 15%.
"Sự suy yếu của đồng USD dường như là xu hướng chính khi mở cửa phiên giao dịch", Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường tại Moomoo Australia nói và thêm rằng: "Rõ ràng đang có một tâm lý ôn hòa lan tỏa trên thị trường liên quan đến đồng USD, và chúng ta cũng đang thấy điều đó trên thị trường trái phiếu".
Đồng USD gần như đi ngang ở mức 146,61 JPY/USD, sau khi đã giảm 0,5% trong phiên trước đó.
Chỉ số USD Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt, ít thay đổi ở mức 97,430 sau ba ngày giảm liên tiếp. Chỉ số này đã mất 6,6% kể từ ngày thông báo thuế quan (Ngày Giải phóng) của ông Trump vào ngày 2/4.
Vào thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết chính quyền quan tâm đến chất lượng của các thỏa thuận thương mại hơn là thời điểm ký kết. Khi được hỏi liệu hạn chót có thể được gia hạn cho các quốc gia đang có các cuộc đàm phán hiệu quả với Washington hay không, ông Bessent nói rằng Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định đó.
Sự không chắc chắn về tình hình thuế quan trên toàn cầu đã trở thành một yếu tố gây áp lực lớn lên thị trường ngoại hối, khiến các đồng tiền chủ yếu giao dịch trong biên độ hẹp, ngay cả khi chứng khoán Phố Wall đã leo lên các đỉnh cao mới.
Đồng euro đứng ở mức 1,1739 USD, giảm 0,1%. Bảng Anh ít thay đổi ở mức 1,35235 USD, giảm 0,1%.
Một yếu tố khác cũng đang ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư là những lo ngại về tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), do ông Trump đã liên tục công kích Chủ tịch Jerome Powell và thúc giục ông từ chức vì ngân hàng trung ương vẫn do dự trong việc cắt giảm lãi suất.
Vào thứ Hai, ông Bessent đã có quan điểm mềm mỏng hơn, nói rằng không cần thiết ông Powell phải từ chức ngay lập tức, và nói thêm rằng ông nên hoàn thành hết nhiệm kỳ của mình vào tháng 5 nếu ông muốn.
Đô la Úc ổn định ở mức 0,6557 USD, trong khi đô la New Zealand giao dịch ở mức 0,60065 USD, tăng khoảng 0,1%.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng một năm, trong đó nhóm cổ phiếu ngành ô tô dẫn đầu mức tăng, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh sau khi Nhật Bản đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, chấm dứt thế bế tắc kéo dài nhiều tháng qua.
Chỉ số Nikkei 225 có thời điểm tăng tới 3,3%, lên 41.070,91 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, trong đó cổ phiếu Toyota Motor tăng hơn 13%.
Thỏa thuận thương mại giúp giảm bớt các bất ổn kinh tế, từ đó củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ nối lại chu kỳ tăng lãi suất.
Giới đầu tư đồng loạt bán ra trái phiếu chính phủ Nhật Bản, đẩy lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 7 điểm cơ bản lên 0,82%, mức cao nhất kể từ ngày 2/4, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường chao đảo với tuyên bố áp thuế gây tranh cãi.
Thị trường phần lớn phớt lờ thông tin từ truyền thông cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba sẽ từ chức vào cuối tháng 8. Ông Ishiba hiện đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vì tuyên bố tiếp tục tại vị, bất chấp việc liên minh cầm quyền vừa thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm Chủ nhật.
Các quan chức ngành công nghiệp và chính phủ cho biết, thỏa thuận thuế quan mới giữa Mỹ - Nhật bao gồm việc giảm thuế xuống 15% đối với ô tô Nhật Bản, mặt hàng chiếm hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Nhật sang Mỹ.
“Việc tránh được mức thuế nền 25% là điều rất đáng ghi nhận. Việc giảm thiểu bất ổn sẽ được thị trường cổ phiếu đón nhận tích cực”, Norihiro Yamaguchi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics Tokyo nhận định.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt tăng mạnh, giúp chỉ số ngành ngân hàng trên TSE tăng 4,5%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng 9,5 điểm cơ bản, đạt 1,595%, tương đương mức đỉnh 17 năm được ghi nhận hồi tuần trước.
Phó Thống đốc BoJ, Shinichi Uchida, cho biết ngân hàng trung ương cần tiếp tục tập trung vào các rủi ro suy giảm kinh tế. Phát biểu này được đưa ra trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của BOJ dự kiến diễn ra vào thứ Tư và thứ Năm tuần tới.
“Tôi không cho rằng riêng thỏa thuận thương mại lần này đủ để khiến BoJ tăng lãi suất ngay trong tuần tới, nhưng khả năng tăng lãi suất trong khoảng tháng 9-10 đã gia tăng. Điều này sẽ tạo thêm áp lực mua vào đồng yên”, Hirofumi Suzuki, chiến lược gia trưởng mảng tiền tệ tại SMBC bình luận.
Thị trường vàng
Trong phiên giao dịch sáng thứ Tư, giá vàng tăng vượt mức 3.400 USD/oz trong bối cảnh thị trường không chắc chắn về định hướng chính sách tiền tệ của Fed và căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và EU, cùng với sự suy yếu của đồng USD. Tuy nhiên, kim loại quý này đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khi các nhà đầu tư tổ chức quan tâm nhiều hơn tới từ các tài sản thay như Bitcoin và cổ phiếu công nghệ.