Chuyện đi lại, ăn ở của công chức sau sáp nhập
Sau sáp nhập các tỉnh, thành, địa bàn của các đơn vị hành chính mới rất rộng, khoảng cách đi lại là một trở ngại, trụ sở làm việc một số nơi còn chưa đảm bảo.
Những điều này gây trở ngại nhất định cho nhiều cán bộ, công chức khi đến nơi công tác mới. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, họ đã và đang nỗ lực để hoàn thành công việc.
Dậy từ 4h sáng, vượt gần 100km đường rừng núi
Một buổi sáng tháng 7, trong cái oi ả sau mưa, chị Hoàng Thị Thương, cán bộ Sở Xây dựng Thái Nguyên lại bắt đầu hành trình quen thuộc: Từ Bắc Kạn xuống Thái Nguyên làm việc với quãng đường tới cả 100km. Chị đã duy trì việc đi về suốt nhiều ngày qua kể từ sau khi tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên sáp nhập.

Ngày nào chị Thương cũng dậy từ 4h sáng, vượt 100km đường rừng núi xuống Thái Nguyên làm việc.
Chồng kinh doanh tự do, hai con còn nhỏ, trong đó cháu thứ hai mới 3 tuổi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, khiến chị không thể chuyển hẳn cả gia đình về Thái Nguyên. "Ngày nào cũng 4h sáng dậy lo đồ ăn, quần áo cho con, rồi chạy ra điểm đón xe. 5h xe chạy, 7h có mặt tại trụ sở. Đến chiều lại bắt xe ngược về quê. Mệt nhưng cũng đang dần quen", chị Thương chia sẻ.
Không riêng chị Thương, mỗi chuyến xe khách Bắc Kạn Thái Nguyên sáng sớm đều có hàng chục cán bộ cùng cảnh làm việc dưới xuôi, nhưng gia đình vẫn ở trên quê cũ. "May mắn là đi cùng chuyến còn có các anh chị ở Sở Giáo dục, Sở Nội vụ, Trung tâm Công nghệ thông tin… nên cũng đỡ buồn", chị nói thêm.
Mỗi tháng, chị chi khoảng 2,5 triệu đồng cho tiền xe khách cố định. Với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng từ tỉnh Thái Nguyên, chị có thêm điều kiện duy trì công việc mà chưa cần thuê nhà trọ. Tuy nhiên, về lâu dài, chị mong muốn tỉnh có chính sách nhà ở xã hội đặc biệt cho cán bộ, bởi với đồng lương công chức hiện tại, chuyện mua đất, cất nhà ở thành phố Thái Nguyên là điều rất xa vời với những cán bộ như chị.
Cũng là cán bộ ngành xây dựng, anh Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thái Nguyên và vợ từng công tác tại Sở Xây dựng Bắc Kạn, hiện chọn cách chủ động thuê một ngôi nhà để ổn định cuộc sống. "Nhà công vụ không phù hợp với sinh hoạt gia đình có con đang tuổi ăn học. Hai vợ chồng tôi thuê căn hộ gần cơ quan với giá 5 triệu đồng/tháng. Tỉnh hỗ trợ mỗi người 4 triệu đồng, nên cũng đỡ gánh nặng chi phí", anh Tiến chia sẻ.

Anh Tiến cùng đồng nghiệp ở Bắc Kạn (cũ) tại cơ quan mới trong giờ làm việc.
Dù đã ổn định chỗ ở, nhưng chuyện gia đình vẫn là điều khiến anh Tiến trăn trở. Hai con của anh, một cháu lớp 5, một lớp 7 vẫn đang học tại Bắc Kạn. Vợ anh phải thường xuyên đi lại để chăm sóc các cháu. "Dự kiến đầu năm học mới sẽ chuyển cả gia đình xuống Thái Nguyên. Có an cư thì mới yên tâm công tác lâu dài", anh nói.
Không chỉ có những người đi về trong ngày hay thuê nhà riêng, một số cán bộ trẻ còn chọn sống trong các khu nhà trọ bình dân để tiết kiệm chi phí. Chị Thu Cúc, phóng viên Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên cùng hai đồng nghiệp từ Bắc Kạn xuống thuê trọ gần cơ quan, nơi chủ yếu là công nhân và lao động tự do.
"Ban đầu cũng tủi thân vì xa nhà, ở trọ đơn sơ. Nhưng có đồng nghiệp cùng quê, lại cùng chí hướng nên cũng nhanh chóng ổn định tâm lý, tập trung vào công việc", chị Cúc tâm sự.
Vượt qua trở ngại để thích nghi
Trong khi đó, với hành trình di chuyển gần 100km, cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Quảng Trị cũ khắc phục mọi khó khăn, cản trở, đảm bảo công việc tại Trung tâm hành chính mới của tỉnh Quảng Trị tại khu vực Đồng Hới (Quảng Bình trước đây).

Chị Hà Thị Mai Quỳnh về công tác tại Chi cục Thuế khu vực Thái Nguyên, thuê trọ cùng phóng viên Thu Cúc, tranh thủ làm việc tại phòng trọ.
4h30 sáng ngày 22/7, những chiếc xe khách đỗ trước tiền sảnh Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Trị (thuộc phường Nam Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) để đón cán bộ ở Đông Hà di chuyển ra Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Trị (Đồng Hới, Quảng Trị) làm việc.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, Trưởng phòng Quản lý Báo chí và Xuất bản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị), gác lại công việc gia đình, gửi con cái cho người thân rồi lên xe. "Chồng cũng công tác xa nhà nên giờ mọi việc chăm sóc con cái phải điều chỉnh cho phù hợp. Khi nào có thời gian thì tranh thủ về nhà, rồi lại đón xe chuyến sớm để bắt đầu ngày làm việc", chị Như nói.
Anh Nguyễn Sơn Tùng, cán bộ chuyên viên Phòng Kinh tế và vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị) có vợ công tác tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Quảng Trị nên khi sáp nhập, làm việc tại trung tâm hành chính mới, cả hai vợ chồng lại hành lý lên đường làm nhiệm vụ. Các con nhỏ nhờ ông bà nội trông nom. Vợ chồng anh thuê căn phòng trọ ở phường Đồng Hới để tiện công tác.
Tại xã Ia Dom (tỉnh Gia Lai), hơn nửa tháng qua, ông Trần Ngọc Phận, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom mỗi ngày đều dậy từ 4h sáng, cùng các cán bộ của xã tại khu vực phường Pleiku, chạy ô tô gần 80km để đến trụ sở làm việc. Trụ sở xã đang được cải tạo nên phòng làm việc của Bí thư được bố trí chung phòng làm việc với ông Lê Trọng Phúc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom.
"Anh em nhanh chóng sắp xếp, ổn định các mặt công tác và sinh hoạt cá nhân thích ứng với thay đổi của chính quyền hai cấp. Nhà xa, nên các cán bộ mang theo mền chiếu để có thể nghỉ ngơi tại chỗ sau giờ làm", ông Phận nói.
Tạm gác tình riêng
Hơn nửa tháng qua, vào mỗi sáng thứ hai tinh mơ, hàng loạt chuyến xe 45 chỗ lại lăn bánh từ tỉnh Bình Phước cũ, đưa hàng trăm cán bộ, công chức vượt hơn 120km về Đồng Nai, nơi làm việc mới sau sáp nhập. Đến chiều tối thứ Sáu, những chuyến xe ấy lại quay đầu, đưa họ trở về nhà.

Các cán bộ ở Bắc Kạn (cũ) sau khi về Thái Nguyên công tác đã khắc phục mọi khó khăn, sớm bắt nhịp công việc trong môi trường mới.
Một trong những người đang nỗ lực thích nghi với hoàn cảnh mới là anh Phan Duy Khiêm, Trưởng phòng Thông tin tổng hợp, Ban Tuyên giáo - Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai. Anh vốn là cán bộ từ Bình Phước về đơn vị tại tỉnh Đồng Nai mới để làm việc.
Hiện anh Khiêm đang thuê một căn hộ chung cư tại phường Trấn Biên ở ghép cùng hai đồng nghiệp khác.
"Sáng thứ hai, 5h sáng là tôi cùng anh em khác ra xe đi từ phường Bình Phước về phường Trấn Biên khoảng hơn 120km để làm việc và ăn ở tại đây luôn. Còn chiều thứ Sáu như thường lệ anh em lại lên đường về nhà với gia đình", anh Khiêm nói.
Từ ngày 1/7, nhiều cán bộ, công chức, viên chức từ Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương cũ bắt đầu chuyển lên trung tâm TP.HCM làm việc sau khi chính thức sáp nhập vào TP.HCM. Với khoảng cách khá xa, từ 50 - 100km, họ phải dậy từ rất sớm để kịp tới trụ sở, đồng nghĩa với việc về nhà khá muộn sau giờ làm.
Từ mờ sáng, anh T, cán bộ công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ bắt đầu thức giấc, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ đạc để ra xe đưa đón, đến trụ sở Công an TP.HCM làm việc. Nửa tháng qua, nếp sống của gia đình anh cũng phần nào thay đổi để thích nghi với điều kiện làm việc mới của anh.
Anh T kể, anh rời nhà khi vợ con còn say giấc. Trước đây, mỗi ngày anh đều cùng vợ lo chuẩn bị cho con cái mỗi sáng, đưa các con đến trường rồi mới đi làm. Nay nhiệm vụ này được "bàn giao" hết cho hậu phương. Cũng may vợ anh làm việc gần nhà, các con lại đang nghỉ hè nên chưa quá bận rộn.
Theo Sở Nội vụ Thái Nguyên, đến thời điểm này, toàn tỉnh hiện có 638 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Bắc Kạn (cũ) đã chính thức về làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh sau khi sáp nhập.
Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng/người/tháng chi phí đi lại và có chỗ ở ổn định. Thời gian hỗ trợ kéo dài đến hết tháng 9/2027. Tổng kinh phí thực hiện chính sách là hơn 102 tỷ đồng.
Thống kê Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị cũ có tổng 1.194 cán bộ, công chức, viên chức chuyển ra làm việc tại khu vực Trung tâm hành chính mới ở phường Đồng Hới. Để bố trí chỗ ở phù hợp, tỉnh đã cải tạo một số cơ sở sẵn có làm nhà công vụ, ký túc và nơi lưu trú tập trung.
Tại Đồng Nai, cán bộ công chức và người lao động sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà và tiền ăn trong 6 tháng (từ ngày 1/7 - 31/12), với mức từ 1,5 – 3 triệu đồng/người.