Diễn biến thị trường xuất khẩu nghêu quý I/2024

Theo VASEP, quý 1/2024 kim ngạch xuất khẩu nhóm nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt 30 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Nghêu vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nhóm này, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu các loài nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước (YoY), xuất khẩu nghêu giảm gần 8% về kim ngạch.

Chia theo nhóm sản phẩm cụ thể, các sản phẩm nghêu nâu, nghêu trắng luộc đông lạnh và thịt nghêu chiếm tỷ trọng nhiều nhất với giá trị 17,5 triệu USD, giảm 7,4% YoY; còn lại là sản phẩm nghêu nguyên con đông lạnh, ướp đá.

Việt Nam có 36 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm nghêu, trong đó 3 công ty lớn nhất tính về tỷ trọng xuất khẩu là CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa (HASUVIMEX) chiếm 24% tỷ trọng xuất khẩu, công ty Thủy sản Lenger Việt Nam chiếm gần 19% và công ty TNHH Minh Đăng chiếm gần 13%.

Hàu là sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ hai trong nhóm sản phẩm này và là một trong hai sản phẩm có sự tăng trưởng trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước, tăng 22% YoY. Sản phẩm xuất khẩu chính là hàu tươi sang các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Lào..

Trong kỳ, xuất khẩu ốc của Việt Nam không cao như cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt gần 3 triệu USD, giảm 24% YoY. Trong khi xuất khẩu điệp trong kỳ đạt 3,5 triệu USD.

Về thị trường, EU đang là thị trường xuất khẩu sản phẩm nhuyễn thể có vỏ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới hơn 56% tổng kim ngạch, tiếp đến là thị trường Đài Loan chiếm gần 14% và Mỹ chiếm gần 10%.

Năm nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang Tây Ban Nha - thị trường mà Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này nhiều nhất trong khối EU tăng 26% YoY, nhưng xuất khẩu sang các nước khác trong khối lại giảm sâu. Chính vì thế, tính tổng xuất khẩu sang EU trong 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 17 triệu USD, giảm 10% YoY.

Tình hình xuất khẩu sang Mỹ cũng không khả quan hơn khi giảm 6% YoY trong quý I, đạt gần 3 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu sang Đài Loan lại có xu hướng tăng trưởng liên tục trong 3 tháng đầu năm nay.

Theo VASEP, thị trường nhuyễn thể đang được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm nhu cầu ngày càng tăng về loài hai mảnh vỏ như một nguồn thực phẩm nguyên vẹn. Do đó, nếu có đủ nguyên liệu thì cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các loài nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam sẽ ngày càng cao.

Dương Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dien-bien-thi-truong-xuat-khau-ngheu-quy-i2024-post34622.html