ĐIỆN BIÊN: TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI TIẾP TỤC PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN SAU GẦN 02 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43
Kết quả giám sát cho thấy, sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát, đưa toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Căn cứ chủ trương, chính sách của Đảng về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020, Kết luận số 16-KL/TW ngày 08/10/2021, Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế- xã hội năm 2021-2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Sau 02 năm triển khai, thực hiện cho thấy, đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 43), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương đã ban hành 17/17 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn làm cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội quyết nghị.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, văn bản của Chính phủ, các Bộ ngành và trên cơ sở điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhiều hạng mục cơ sở y tế, bảo trợ xã hội được nâng cấp, mở rộng
Đánh giá tác động cụ thể của việc thực hiện Nghị quyết số 43 đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến nhận định: Sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 43, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên tiếp tục đà phục hồi và phát triển, dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát, đưa toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Tác động rõ nét, cụ thể nhất của việc triển khai Nghị quyết 43 đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đó là chính sách đầu tư. Hệ thống y tế cơ sở được đầu tư, sửa chữa nâng cấp khang trang hơn nhằm đáp ứng tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Cơ sở bảo trợ xã hội được quyết định đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn để tiếp nhận các đối tượng cần được chăm sóc, bảo trợ, đồng thời tạo thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi cha mẹ, người già không nơi nương tựa và các đối tượng khác về vật chất và tinh thần, giúp các đối tượng nêu trên hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Ngoài ra, chính sách cho vay ưu đãi và chính sách hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ, tạo việc làm cũng như chính sách hỗ trợ cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch hành động của tỉnh, trong đó đề ra 03 mục tiêu và 04 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy động lực tăng trưởng gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, hỗ trợ việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách theo quy định tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Các cấp, các ngành tỉnh Điện Biên đã tích cực, chủ động, quyết liệt trong triển thực hiện nhiệm vụ, qua đó đã đạt kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Vẫn tồn tại một số hạn chế
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn tồn tại một số hạn chế. Đó là các giải pháp hỗ trợ chủ yếu giúp giải quyết khó khăn trong ngắn hạn của doanh nghiệp, người dân; chưa tác động nhiều đến kích thích tiêu dùng, tăng tổng cung và tổng cầu để hỗ trợ phát triển thị trường, phục hồi chuỗi cung ứng, sản xuất, lao động.
Kết quả thực hiện một số các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội năm 2022- 2023 chưa đạt. Ví dụ như tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 đạt 7,1% không đạt so với kế hoạch HĐND tỉnh đề ra (10,0%), việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Thu ngân sách từ nguồn đấu giá đất chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra; kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, số hộ có nguy cơ tái nghèo lớn, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn...
Việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn thấp hoặc không giải ngân được. Tình hình triển khai các dự án đầu tư thuộc Chương trình còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, phải kéo dài thời hạn giải ngân vốn sang năm 2024.
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, nguyên nhân của những hạn chế là thời gian xây dựng và ban hành chính sách gấp để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều nội dung chưa có tiền lệ nên chưa bao quát hết các tình huống phát sinh.
Doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, do đó đối tượng được thụ hưởng chính sách tài khóa, tiền tệ từ Nghị quyết 43 không nhiều và số tiền được miễn giảm không lớn. Trình tự, thủ tục để triển khai các dự án đầu tư mất rất nhiều thời gian nên ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn.
Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn đến hết năm 2024
Để việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt hiệu quả, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lò Thị Luyến đưa ra một số giải pháp, kiến nghị. Theo đó, Đoàn đưa ra giải pháp tiếp tục tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hiệu lực thi hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi nhằm đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, mục đích, hạn chế rủi ro và phát sinh nợ xấu. Quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai 04 dự án đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiến độ giải ngân và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên kiến nghị đối với Chính phủ: Sớm ban hành văn bản cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội, để địa phương tiếp tục triển khai thực hiện dự án và giải ngân nguồn vốn của Chương trình.
Việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” giai đoạn 2 đề nghị thực hiện theo phương án: không cấp máy tính cho cá nhân học sinh mà đầu tư hệ thống phòng học thông minh, phòng học tin học để sử dụng chung nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, phù hợp với tình hình thực tiễn khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương tăng cường công tác kiểm tra việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng và giảm lãi suất theo Nghị Quyết 43/2022/QH15.
Đối với UBND tỉnh: Sớm trình HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 25 Trạm Y tế tuyến xã đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 24/10/2022 tại Nghị quyết số 112/NQ-HĐND, nguyên nhân do danh mục Trạm Y tế Pá Mỳ đã được huyện Mường Nhé quyết định đầu tư xây mới tại vị trí mới từ nguồn tái định cư để di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai; kịp thời điều chỉnh phân bổ cho các Trạm y tế khác còn nhu cầu vốn để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn được trung ương phân bổ./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=85174