Điện Biên triển khai các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại thiên tai
Để chủ động ứng phó và khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của người dân, chiều ngày 13/5, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã triển khai các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại thiên tai trước mùa mưa bão 2025.

Lũ quét tràn về xã Mường Pồn, huyện Điện Biên vào rạng sáng ngày 25/7/2024 làm hàng trăm ngôi nhà của người dân bị đổ sập, hư hỏng phải di dời khẩn cấp.
Tại hội nghị, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên nhận định, thực trạng biến đổi khí hậu tại Điện Biên ngày càng biểu hiện rõ rệt, kéo theo là thực trạng thiên tai diễn biến khó lường, phức tạp làm ảnh hưởng tài sản của Nhà nước, nhân dân và tính mạng nhân dân.
Riêng trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Điện Biên đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 5 đợt thiên tai, gồm các loại hình: rét đậm, rét hại làm 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 5,8 tỷ đồng.

Đồng chí Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: LÊ LAN)
Ngay khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả; lực lượng chủ công trong hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng thiên tai là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, công an và các lực lượng chức năng... đã kịp thời giúp người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai sớm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ hạn chế trong công tác dự báo, tuyên truyền, khắc phục hậu quả thiên tai. Cụ thể, công tác dự báo thiên tai, địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai chưa được thực hiện kịp thời kéo theo công tác tuyên truyền, cảnh báo đến nhân dân chưa hiệu quả cho nên người dân còn bị động hoặc chủ quan. Việc khắc phục thiệt hại, thiên tai còn tình trạng người vùng thiên tai ỷ lại lực lượng cứu hộ cứu nạn.
Yêu cầu khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế trong dự báo, tuyên truyền và khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống cứu nạn thời gian qua, đồng chí Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đề nghị các ngành thành viên Ban Chỉ huy, các cấp, các ngành và các huyện phải khẩn trương rà soát, triển khai phương án và kịch bản phòng, chống thiên tai phù hợp với loại hình, diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên trao kinh phí hỗ trợ người dân xã Mường Pồn khắc phục hậu quả lũ quét. (Ảnh: LÊ LAN)
Trong đó, đặc biệt lưu ý biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ, lũ quét, sạt lở đất; công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phải bám sát phương châm “bốn tại chỗ”, huy động tối đa lực lượng, phương tiện phục vụ phòng, tránh, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân. Công tác tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai cho nhân dân cần được thực hiện bằng nhiều hình thức, kịp thời.
Tại địa bàn có nguy cơ lũ lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, các địa phương cần có phương án chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với tinh thần “chủ động ứng phó ở mức cao nhất”, không để bị động, bất ngờ.