Cần làm rõ ranh giới rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Tại phiên thảo luận chiều 13/5, ý kiến ĐBQH bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt luật hóa tinh thần 'chấp nhận rủi ro' trong nghiên cứu khoa học.
Các đại biểu đề nghị thiết lập cơ chế đánh giá, phê duyệt và giám sát rủi ro từ đầu, tránh tình trạng "hợp thức hóa" rủi ro sau khi sự cố xảy ra. Việc miễn trách nhiệm hình sự cho tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy trình cũng được ủng hộ, song cần xác định rõ khái niệm “rủi ro” để phân biệt với hành vi vi phạm đạo đức hay pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), đặc biệt với công nghệ mới như AI, y tế số. Các dự án thử nghiệm cần đáp ứng tiêu chí đổi mới sáng tạo, có tiềm năng tác động kinh tế - xã hội và kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng.
Một số đại biểu cũng cảnh báo tình trạng lãng phí khi nhiều đề tài nghiên cứu không được ứng dụng thực tế, đồng thời đề nghị sửa đổi quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự để bảo đảm đồng bộ và hiệu quả thi hành luật.