Điện đàm Trump-Putin và cơ hội cho hòa bình Ukraine
Cơ hội chấm dứt xung đột Nga-Ukraine tìm kiếm hòa bình cho Ukraine được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây và đặc biệt được kỳ vọng sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần ba năm dường như đang cho thấy có lối thoát với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-2 cho biết ông đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bàn việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Tín hiệu tích cực từ sự nỗ lực của ông Trump
Tổng thống Trump đã thể hiện thái độ quyết liệt của mình với mục tiêu chấm dứt xung đột Nga-Ukraine khi ngay từ khi ông tranh cử với tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến này trong vòng 24 giờ sau nhậm chức.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã bắt tay thực hiện mục tiêu chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, với nhiều bước đi. Có thể điểm lại, ông Trump đã đe dọa Nga rằng sẽ siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế, đi nước cờ hạ giá dầu để làm cạn kiệt nguồn tài chính hỗ trợ chiến tranh của Nga trừ khi Moscow đồng ý đàm phán, đến thúc giục Trung Quốc hợp tác cùng Mỹ để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine và giờ đây là điện đàm với các bên trực tiếp liên quan là Nga và Ukraine để thúc giục đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm 2018 tại Phần Lan. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa ông Trump và ông Putin hôm 12-2 là cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí ngăn chặn thương vong trong cuộc chiến, khởi động đàm phán ngay lập tức để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, thống nhất tổ chức một cuộc gặp riêng, theo tờ The New York Times.
Ngay sau khi điện đàm với ông Putin, ông Trump cũng đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine và cho biết rằng ông Zelensky “giống như Tổng thống Putin, muốn tạo ra hòa bình”. Song ông Trump không nói rõ ông Zelensky sẽ đóng vai trò như thế nào trong các cuộc đàm phán giữa ông và ông Putin tiến đến mục tiêu chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky cũng khẳng định “Ukraine muốn hòa bình hơn bất kỳ ai” và nước này “đang xác định các bước đi chung với Mỹ để ngăn chặn sự tấn công của Nga và đảm bảo một nền hòa bình đáng tin cậy, lâu dài”. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov hôm 12-2 cũng khẳng định rằng Kiev sẵn sàng đàm phán với Moscow để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Dù đã có tín hiệu lạc quan nhưng con đường hòa bình phía trước không hề đơn giản, khi các bên phải giải quyết một loạt vấn đề nan giải mà Nga và Ukraine bất đồng với nhau từ trước đến nay.
Chẳng hạn, định hướng chiến lược tương lai của Ukraine sẽ là gì: trung lập, hướng về phương Tây, hay là sự kết hợp của cả hai? Đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ ra sao, liệu Ukraine có gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)? Yêu sách lãnh thổ của hai bên sẽ được giải quyết thế nào khi Ukraine đòi khôi phục biên giới trước năm 2014, còn Moscow muốn sáp nhập 4 tỉnh Ukraine vào Nga?,...
Ông Trump đã đề cập địa điểm tiềm năng diễn ra cuộc gặp "trong tương lai không xa" giữa ông và ông Putin, là Saudi Arabia.
Nga, Mỹ giải bài toán về cuộc chiến ở Ukraine
Theo chuyên san Foreign Policy, con đường ngoại giao trong giải quyết xung đột Nga-Ukraine sẽ phải sát sườn với hai thực tế: Đầu tiên là Nga vẫn ổn định về chính trị, kinh tế và vững chãi về quân sự sau gần ba năm chiến sự, dù vấp phải không ít khó khăn. Thứ hai là Ukraine không nên và sẽ không chịu đầu hàng.
Đặt cạnh nhau, hai thực tế này khuyến nghị một cơ chế ngoại giao được tiến hành theo từng giai đoạn, ưu tiên giảm leo thang hơn là “một phát ăn ngay” tiến đến các thỏa thuận lớn nhưng mong manh.

Lính Ukraine dùng pháo Mỹ sản xuất khai hỏa vào Ukraine ở TP Avdiivka (tỉnh Donetsk) hồi năm 2024. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Những nỗ lực ngoại giao của chính quyền ông Trump sẽ khiến cuộc chiến thu hẹp quy mô khi Washington có thể tạo điều kiện cho một loạt các tương tác giữa Ukraine và Nga.
Theo đó Nga sẽ nhượng bộ, ví dụ như ít tấn công hơn vào dân thường, lưới điện của Ukraine, để đổi lại điều gì đó. Ukraine cũng có những “con bài mặc cả” để đưa ra, vì họ có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và đã chiếm giữ lãnh thổ Nga trong gần nửa năm. Nếu Nga bắt đầu thu hẹp chiến tranh, Mỹ có thể nghĩ đến việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đã áp lên Nga, theo Foreign Policy.
Con đường duy nhất để công cuộc đàm phán hòa bình có thể tiến triển là các bên từng bước đi tới một loạt thỏa thuận nhỏ. Các thỏa thuận theo từng tuần và từng tháng để giảm thiểu chiến tranh sẽ làm giảm nỗi đau của người ở Ukraine và khôi phục một mức độ bình thường hóa ở cấp độ nào đó. Chúng cũng sẽ kéo mối quan hệ Mỹ-Nga trở lại từ bờ vực. Cạnh đó, các hoạt động ngoại giao tinh tế ở hậu trường của hai bên có thể mang lại điều gì đó khởi sắc cho cuộc chiến, tăng cơ hội chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Nói chung, Mỹ và Nga sẽ đồng ý rằng hai nước sẽ bất đồng quan điểm về Ukraine nhưng sẽ thiết lập một số quy tắc can thiệp nhất định vào vấn đề này, đồng thời có thể tiến hành đàm phán về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược.
Còn về thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, sẽ có những điểm mà Ukraine không bao giờ chấp nhận như công nhận yêu sách của Nga đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, hạn chế đối với quân đội, về quy mô lực lượng, vũ khí, thành lập liên minh, các chuyên gia nói với tờ Kyiv Independent.
Tuy nhiên, vẫn có các điều khoản mà Kiev có thể dễ chấp nhận hơn, bao gồm trì hoãn tư cách thành viên NATO, đóng băng tiền tuyến hiện tại, tổ chức bầu cử hoặc đổi đất Ukraine giành được tại Kursk lấy một phần đất của Ukraine do Nga đang kiểm soát.
Ukraine có thể giành lại đất và gia nhập NATO?
Ngày 12-2, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth gọi việc Ukraine muốn quay trở lại biên giới trước năm 2014, tức là giành lại các khu vực mà Nga kiểm soát kể từ năm 2014, bao gồm bán đảo Crimea, là "một mục tiêu không thực tế", theo tờ The Wall Street Journal.
Phát biểu tại Brussels (Bỉ) trong chuyến công du đầu tiên tới châu Âu với tư cách là bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Hegseth đã bác bỏ việc Mỹ gửi quân tới Ukraine, khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO là viển vông và cho rằng bất kỳ đảm bảo an ninh nào được đưa ra cho Kiev "phải do lực lượng quân đội ở trong và ngoài châu Âu hỗ trợ”.
“Chúng ta chỉ có thể chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này và thiết lập một nền hòa bình lâu dài bằng cách kết hợp sức mạnh của đồng minh với đánh giá thực tế trên chiến trường” - ông Hegseth khẳng định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dien-dam-trump-putin-va-co-hoi-cho-hoa-binh-ukraine-post834065.html