Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thúc đẩy hợp tác khu vực
Năm 2019, Indonesia khởi xướng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm, tính cởi mở, minh bạch, bao trùm dựa trên nguyên tắc, quản trị tốt, tôn trọng chủ quyền.
Indonesia đã khởi động Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một chương trình hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế ASEAN tại Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Berlianto Situngkir ngày 3/5 cho biết: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các quốc gia Thái Bình Dương khác có nền kinh tế mạnh hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Một số hoạt động của diễn đàn bao gồm Diễn đàn kinh tế sáng tạo, Diễn đàn cơ sở hạ tầng, Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN, và Hội nghị thanh niên về kinh tế số để hỗ trợ SDGs (mục tiêu phát triển bền vững).
Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một bước hợp tác nhằm duy trì sự ổn định kinh tế trong khu vực.
Theo ông Berlianto Situngkir, năm 2019, Indonesia khởi xướng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm, tính cởi mở, minh bạch, bao trùm, khuôn khổ dựa trên nguyên tắc, quản trị tốt, tôn trọng chủ quyền và chính sách không can thiệp của ASEAN.
Đây cũng là giải pháp nhằm thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và tin tưởng lẫn nhau trong khu vực, được hỗ trợ bởi sự hợp tác cơ bản.
Ông Berlianto Situngkir cho rằng: “Để khuyến khích tăng trưởng kinh tế, cần duy trì một khu vực ổn định, vì vậy Indonesia đã khởi xướng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2019 và chúng tôi đang thực hiện nó trong vai trò chủ tịch năm nay.”
Indonesia đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2023 với niềm tin sẽ cùng các nước thành viên ASEAN tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực theo hướng hiện thực hóa tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững sau đại dịch.
Cũng theo ông Berlianto Situngkir, diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đề cập đến Hợp tác Nam-Nam, thuận lợi hóa thương mại, nền kinh tế kỹ thuật số, luồng dữ liệu xuyên biên giới, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế hiện nay cho thấy các nước thành viên ASEAN đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Dự báo tăng trưởng kinh tế ASEAN là 4,3% trong năm nay.
Chính phủ Indonesia sẽ nỗ lực đạt được các bước để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 sắp tới./.