Diễn đàn góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Những đóng góp thiết thực từ ngành tư pháp

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được ngành tư pháp triển khai kịp thời, giúp cho công chức, viên chức, người lao động của ngành có thời gian nghiên cứu kỹ và tham gia góp ý kiến với nhiều nội dung thiết thực, góp phần vào hoàn thiện dự án Luật Đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định về công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại. Trong ảnh: Một góc khu đô thị thương mại tại H.Nhơn Trạch. Ảnh minh họa: Hoàng Lộc

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định về công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại. Trong ảnh: Một góc khu đô thị thương mại tại H.Nhơn Trạch. Ảnh minh họa: Hoàng Lộc

* Đảm bảo tính thống nhất

Một trong những nội dung mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp quan tâm và có nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là việc sử dụng từ, cụm từ đảm bảo thống nhất. Cụ thể, tại Khoản 10, Điều 3 về giải thích từ ngữ: “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ”. Trong khi, tại Khoản 2, Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017 giải thích: “Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán”. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần rà soát, đảm bảo thống nhất việc giải thích cụm từ “Cộng đồng dân cư” giữa các luật.

Tại Khoản 19, Điều 3, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi khái niệm “giá đất” được hiểu là “giá trị của quyền sử dụng đất” nhưng tại Khoản 20, Điều 3 của dự thảo này lại sử dụng khái niệm “giá trị quyền sử dụng đất”. Theo đó, ngành tư pháp đề nghị rà soát, quy định thống nhất các khái niệm trên. Đề nghị bổ sung cụm từ “khu kinh tế, khu chế xuất” ngay sau cụm từ “cụm công nghiệp” tại phần mở đầu của Điều 5 về người sử dụng đất cho đầy đủ, đồng thời rà soát, điều chỉnh trong toàn bộ dự thảo cho thống nhất.

Ngành tư pháp đề nghị sửa cụm từ “Đất chăn nuôi tập trung” thành “Đất chăn nuôi trang trại” tại Điểm d, Khoản 1, Điều 10 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về phân loại đất để thống nhất với quy định tại Khoản 4, Điều 2, Luật Chăn nuôi năm 2018. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ quan quản lý đất đai ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Khoản 2, Điều 23, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cho phù hợp, thống nhất với quy định tại Khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Đồng thời, rà soát, điều chỉnh trong toàn bộ nội dung dự thảo cho thống nhất.

Tại Điều 55, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về đo đạc, lập bản đồ địa chính, ngành Tư pháp đề nghị rà soát lại nội dung và thực hiện thống nhất theo quy định tại Điều 25, Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018. Đề nghị thay cụm từ “Người có đất trưng dụng chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng” thành “Người có đất trưng dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng” tại Điểm a và c, Khoản 7, Điều 88 cho thống nhất với Khoản 5, Điều 88 dự thảo luật.

Ngoài ra, ngành tư pháp còn đề nghị xem xét, bổ sung quy định về thẩm quyền của ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp: “Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp quyết định giao lại đất, cho thuê đất đối với các dự án nằm trong các khu chức năng của khu kinh tế, khu công nghiệp” tại Điều 123, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về thẩm quyền cho giao đất, thuê đất, để thống nhất về thẩm quyền đã được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28-2-2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp.

* Giúp dễ hiểu, dễ áp dụng

Bên cạnh đó, ngành tư pháp còn tham gia đóng góp ý kiến về diễn đạt nội dung sao cho rõ ràng, dễ hiểu và dễ áp dụng. Cụ thể, Điểm a, Khoản 1, Điều 49 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau: “Có giấy chứng nhận, trừ trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa theo quy định luật này”.

Tuy nhiên, với tình hình thực tế sử dụng đất, nhất là trong điều kiện sử dụng đất nông nghiệp, đất sử dụng chung, để hạn chế rủi ro trong giao dịch quyền sử dụng đất đối với người nhận chuyển nhượng, người sử dụng đất có quyền thực hiện cùng lúc thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận, thủ tục đăng ký biến động… Kết quả của việc đăng ký cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động là căn cứ xác lập các giao dịch trên. Do đó, ngành tư pháp đề nghị sửa đổi nội dung quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 49 thành: “Có giấy chứng nhận hoặc thuộc trường hợp đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận, trừ trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa theo quy định luật này”.

Tại Điều 89, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, việc quy định bồi thường về đất, chi phí đầu tư còn lại vào đất của dự thảo luật là phù hợp, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước khi thu hồi đất của người dân, việc đánh giá tính khả thi cần thời gian triển khai quy định vào thực tiễn mới đủ cơ sở đánh giá, vì tùy thuộc vào nhiều yếu tố và thời điểm mà Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa tiêu chí thế nào là “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” tại Khoản 2, vì quy định này khá chung chung. Đồng thời, bổ sung đoạn “đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất” vào cuối Khoản 5 của Điều 49.

Khoản 1, Điều 224 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi xác định: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án”. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 224 của dự thảo lại xác định hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã, nội dung này chưa thống nhất với quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Vì vậy, ngành tư pháp đề nghị quy định rõ giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành tại Điểm c, Khoản 2, Điều 224 của dự thảo.

Tại Điều 209, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích khác để làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 211 của dự thảo quy định trường hợp các thửa đất khác nhau về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nội dung quy định tại 2 điều này trong dự thảo chưa thống nhất với nhau. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn nội dung quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 209 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là việc sử dụng đất đa mục đích đảm bảo theo mục đích sử dụng đất được cơ quan cơ quan có thẩm quyền cho phép, vì nội dung “hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép” là chưa rõ ý.

Trong góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngành tư pháp tỉnh đề nghị Ban Soạn thảo dự án luật cần rà soát, đảm bảo quy định giữa Luật Đất đai năm 2013 với các Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014… để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật, tạo thuận lợi trong việc triển khai áp dụng.

Thành Nhân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202303/dien-dan-gop-y-kien-cho-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-nhung-dong-gop-thiet-thuc-tu-nganh-tu-phap-3159111/