Diễn đàn quốc tế Mekong sắp diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh
Tiếp nối thành công của chuỗi Diễn đàn Mekong (Mekong Forum) năm 2022, Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam (KAS) sẽ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc tế Mekong lần thứ 3 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Với tiềm năng phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng, tiểu vùng Mekong là một trong số ít tiểu vùng trên thế giới có đầy đủ các cơ chế hợp tác nội vùng cũng như các cơ chế hợp tác với nhiều đối tác bên ngoài.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực hợp tác có tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả do thiếu vai trò điều phối và phối hợp giữa các cơ chế. Trong khi đó, những vấn đề về an ninh phi truyền thống là thách thức chung, cần sự phối hợp hiệu quả trong nỗ lực giải quyết.
Trong bối cảnh đó, tiếp nối thành công của chuỗi Diễn đàn Mekong (Mekong Forum) năm 2022, Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam (KAS) sẽ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc tế Mekong với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong, hướng tới phát triển bền vững” vào ngày 24/11, tại Khách sạn Liberty Central Saigon Citypoint, thành phố Hồ Chí Minh.
Diễn đàn được chia làm 3 phiên với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế chuyên nghiên cứu về Mekong.
Phiên 1 tập trung làm rõ tầm quan trọng của tiểu vùng Mekong trong bối cảnh biến động khu vực và toàn cầu. Tại Phiên 2, các diễn giả sẽ trình bày quan điểm của ASEAN, Ủy hội sông Mekong (MRC) và các nước tiểu vùng Mekong (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam) về những thuận lợi và khó khăn trong hợp tác tiểu vùng Mekong. Cuối cùng, triển vọng hợp tác giữa các cơ chế tiểu vùng Mekong sẽ là nội dung chính được đề cập tại Phiên 3 của Diễn đàn.
Diễn đàn quốc tế Mekong là dịp để các chuyên gia, học giả Việt Nam và quốc tế chia sẻ thông tin, tri thức, đánh giá thực trạng cũng như thuận lợi và thách thức trong hợp tác tiểu vùng Mekong từ các góc độ khác nhau. Những ý tưởng, sáng kiến, khuyến nghị và giải pháp trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa các nguồn lực vì sự phát triển bền vững ở tiểu vùng Mekong.