Diễn đàn 'Vì sao tôi tình nguyện nhập ngũ?': Câu chuyện thứ ba: Xung phong nhập ngũ khi đang đi làm với mức lương 12 triệu đồng/tháng
Thắp nén hương trước bàn thờ của bố, Lương Ngọc Chuẩn (sinh năm 2002) rưng rưng mắt ngấn lệ: 'Thưa bố! theo đúng di nguyện của bố và cũng là ước mơ của con bấy lâu nay, cũng là truyền thống gia đình ta, con tình nguyện nhập ngũ đợt này! Ở nơi xa, con tin rằng bố sẽ rất vui và tự hào khi con đã tiếp bước ông nội, bố và chú. Chỉ còn ít ngày nữa con sẽ trở thành chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam…'.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ đã xuống cấp, ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ cơ cực của cậu bé Chuẩn ở thôn Nghĩa Phú, xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) mấy ngày nay rộn rã tiếng nói cười, lời chúc mừng của bà con lối xóm khi biết Chuẩn sắp lên đường nhập ngũ.
Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, năm 2017 khi Chuẩn đang là học sinh lớp 8 thì bố mất do bệnh hiểm nghèo. Vùng quê thuần nông, làm lụng quanh năm không đủ nuôi sống gia đình nên mẹ Chuẩn để lại chị em Chuẩn cho ông bà nội chăm sóc, rời quê vào Nam kiếm sống. Chuẩn sống cùng ông bà nội từ đó.
Học thêm một năm, tốt nghiệp THPT Lương Ngọc Chuẩn nghỉ học và bắt đầu lăn lộn kiếm kế sinh nhai với đủ nghề, từ làm nông nghiệp, phụ hồ, đến xe ôm phụ giúp thêm ông bà nội. Những năm gần đây, khi bà nội đã 80 tuổi, sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, không thể tiếp tục làm việc, thương bà vất vả, già yếu nên Chuẩn trở thành lao động chính trong gia đình.
Bà Lê Thị Duyên, bà nội Chuẩn bày tỏ: “Cháu vào bộ đội gia đình tôi phấn khởi lắm, bố cháu trước đây cũng là bộ đội, chú ruột của cháu hiện đóng quân tại Nha Trang. Cháu viết đơn nhập ngũ đợt này gia đình tôi ai cũng tự hào khi cháu được phấn đấu, rèn luyện trong môi trường Quân đội…”.
Đang là công nhân tại Công ty giầy da Eco tại Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thu nhập hàng tháng hơn 12 triệu đồng, nhận được tin từ ông bà nội là mình có tên trong đợt nhập ngũ này, Chuẩn đã tức tốc về quê viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ. “Từ bé em đã ước mơ được rèn luyện trong môi trường quân đội. Ký ức sâu sắc nhất đối với em là bản lĩnh, phong cách của bố. Từng trải qua quân ngũ nên bố em rất bản lĩnh và kiên cường, bố làm mọi việc để lo xây dựng cuộc sống gia đình no đủ, nuôi các em ăn học; khi bố mắc bệnh hiểm nghèo, do điều kiện gia đình quá khó khăn, xác định gia đình không có tiền để chữa bệnh nên bố đã giấu gia đình, chịu đựng những cơn đau của bệnh tật. Khi không giấu được nữa thì đã quá muộn để cứu chữa… đó cũng chính là tình thương bố dành lại cho mẹ con em…”.
“Em nghĩ, tiếp bước ông nội, bố và chú, được đứng trong hàng ngũ quân đội sẽ giúp em chững chạc và trưởng thành hơn. Vì vậy nên quãng thời gian trong quân ngũ, em sẽ nỗ lực rèn luyện để đền đáp công ơn cha mẹ, ông bà đã nuôi dưỡng, dạy bảo suốt những năm qua...”, Chuẩn chia sẻ.
Đồng chí Lê Văn Bốn, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa cho biết: "Địa phương năm nay có 8 thanh niên nhập ngũ thì có 5 thanh niên viết đơn tình nguyện. Các cháu tham gia quân đội về địa phương đều có sự trưởng thành rất lớn về bản lĩnh cũng như thể chất. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhiều cháu đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; đặc biệt hằng năm có tới 90% các cháu được hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định…”.
Trung tá Đặng Quang Thảo, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hoằng Hóa khẳng định: "Nhiều năm qua, địa phương luôn tổ chức đón thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và giới thiệu việc làm, ổn định cuộc sống cho họ. Điều này thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, qua đó động viên các thanh niên khác hăng hái lên đường nhập ngũ. Năm 2023, huyện có hơn 200 công dân nhập ngũ, việc viết đơn tình nguyện nhập ngũ như Lương Ngọc Chuẩn thì có tới gần 80%. Hiện nay các địa phương đang tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm trị giá từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng nhằm động viên thanh niên trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ…".