Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây năm 2025

Sáng 23-5, 'Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây năm 2025' do Tổng Lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam tại Pakse phối hợp với chính quyền tỉnh Sekong tổ chức đã diễn ra tại tỉnh Sekong, nước CHDCND Lào.

 Quang cảnh Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: V.T

Quang cảnh Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: V.T

Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của 18 tỉnh, thành của Việt Nam; 4 tỉnh Nam Lào (Champasak, Sekong, Salavan, Attapeu); tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan.

Tham dự diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở: Công thương; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh; Hội Nữ doanh nhân tỉnh; cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Được khởi xướng vào năm 1998, Hành lang Kinh tế Đông-Tây là chương trình hợp tác phát triển kinh tế thuộc tiểu vùng sông Mekong, là tuyến đường bộ dài 1.450km, bắt đầu từ Mawlamyine, Myanmar, kết thúc tại Đà Nẵng, Việt Nam, nối liền 4 nước thuộc bán đảo Đông Dương gồm Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Mục tiêu thành lập hành lang này là tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển giữa các quốc gia thành viên; giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy giao thông hàng hóa và hỗ trợ phát triển các địa phương trên tuyến.

Đối với Gia Lai, thời gian qua các hoạt động hợp tác với các tỉnh Nam Lào đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong công tác trao đổi đoàn, năm 2024 tỉnh đã cử các đoàn, cán bộ, công chức, viên chức đi Lào chúc Tết cổ quyền, tham dự Hội nghị Ủy ban điều phối chung khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 13 tại tỉnh Attapeu, nước CHDCND Lào theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tham dự triển lãm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành hữu nghị tại Savannakhet lần thứ IV-2024; trao đổi thông tin, đánh giá tình hình hợp tác và bàn các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa tỉnh Gia Lai với tỉnh Champasak và tỉnh Attapeu... Năm 2024, tỉnh đã đón tiếp 2 đoàn/26 lượt khách Lào sang thăm, chúc Tết Nguyên đán (tỉnh Attapeu và tỉnh Champasak). Đầu năm 2025, tỉnh đón tiếp 2 đoàn/23 lượt khách Lào sang thăm, chúc Tết Nguyên đán (tỉnh Attapeu và tỉnh Champasak). Từ ngày 12 đến 14/5/2025 vừa qua, đoàn công tác Hội đồng nhân dân tỉnh Champasak sang thăm và trao đổi kinh nghiệm với Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai. Tình hình thực hiện thỏa thuận hợp tác với các tỉnh Champasak, Attapeu, Salavan được triển khai hiệu quả. Trên các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế-xã hội, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp 14 giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký hơn 566 triệu USD, đã thực hiện hơn 324 triệu USD (đạt 57,6%) chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp, xây dựng. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa có dự án đầu tư từ các doanh nghiệp của Lào.

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước. Tập trung tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả các văn bản pháp lý song phương về biên giới được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Công tác phối hợp trao đổi thông tin, chuyên môn liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện vận tải của ngành Hải quan được thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, hành khách và phương tiện xuất nhập cảnh trên cơ sở tuân thủ theo quy định của pháp luật mỗi bên…

Công tác phối hợp, đảm bảo an ninh biên giới, lãnh thổ, đã phối hợp trao đổi tình hình có liên quan với Công an tỉnh Attapeu, Sekong (Lào) trong công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm trên các lĩnh vực; kịp thời thông báo và trao đổi thông tin với nhau về âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm… Đẩy mạnh công tác nắm tình hình hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tỉnh Gia Lai tại Lào, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động và doanh nghiệp Việt Nam khi sinh sống, làm việc tại Lào…

 Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: V.T

Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: V.T

Tại diễn đàn, các đại biểu của một số tỉnh, thành của Việt Nam và các tỉnh của Lào, Thái Lan đã trình bày, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của các địa phương, đã cho thấy bức tranh tiểu vùng với những điểm kết nối chiến lược về kinh tế, nông nghiệp, logistics và du lịch. Các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam, với lợi thế đất bazan màu mỡ và khí hậu ôn hòa, đang trở thành điểm trung chuyển nông sản và hàng hóa cho khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan qua các Cửa khẩu quốc tế. Với chính sách ưu đãi đầu tư mang tính đặc thù để triển khai các dự án phát triển vùng nguyên liệu, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp…

Đồng thời, các đại biểu cũng nêu một số khó khăn, hạn chế, và đề xuất các nội dung hợp tác trong lĩnh vực thương mại, du lịch; thảo luận và thống nhất về những định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của địa phương mỗi nước…

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dien-dan-xuc-tien-thuong-mai-dau-tu-va-du-lich-thuc-day-phat-trien-hanh-lang-kinh-te-dong-tay-nam-2025-post324517.html