Điện hạt nhân Ninh Thuận: Chỉ định thầu theo quy trình 'chìa khóa trao tay'

Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu 'chìa khóa trao tay' xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế.

Đánh giá tác động môi trường là vấn đề nhạy cảm

Sáng 19/2, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nghị quyết được Quốc hội thông qua, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần.

 Quốc hội biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết, sáng 19/2. Ảnh: Như Ý.

Quốc hội biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết, sáng 19/2. Ảnh: Như Ý.

Theo đó, Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế; áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý về phương án tài chính và thu xếp vốn cho dự án.

Cụ thể, Nghị quyết quy định theo hướng: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản đã hết khấu hao của các nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu để thực hiện dự án với mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia”.

Về công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy việc tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án này là vấn đề nhạy cảm. Nếu chỉ quy định áp dụng hình thức “lấy ý kiến trực tuyến” trong quá trình đánh giá tác động môi trường có thể làm hạn chế sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt là khu vực không có điều kiện tiếp cận internet, không lường hết được các tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe con người và chưa đáp ứng yêu cầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

“Công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cần tuân thủ đúng và đầy đủ pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường”, ông Huy nhấn mạnh.

Hỗ trợ thêm nguồn thu cho tỉnh

Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận rất khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi tỉnh có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, nguồn lực rất hạn chế để triển khai các dự án. Do vậy, việc hỗ trợ thêm nguồn thu cho tỉnh trong thời gian này là hết sức cần thiết. Trong đó có việc bồi thường, thu hồi đất, tái định cư và an sinh xã hội trong giai đoạn trước mắt.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết quy định, hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Ninh Thuận 70% số tăng thu từ triển khai dự án nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận còn được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền được quyết định áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, mua sắm, xây lắp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án...

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dien-hat-nhan-ninh-thuan-chi-dinh-thau-theo-quy-trinh-chia-khoa-trao-tay-post1718293.tpo