Điện hóa phương tiện giao thông và câu chuyện xe điện tại Việt Nam

Dự đoán về tương lai, HSBC ước tính, tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới một triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036.

Những năm gần đây, chuyển dịch năng lượng đã trở thành trọng tâm ở châu Á và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Ngay từ năm 2021 tại hội nghị thượng đỉnh COP26, Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt cân bằng phát thải các-bon vào năm 2050.

Tháng 12/2022, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) công bố gói 15,5 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nỗ lực trung hòa các-bon của Việt Nam. Tháng 5 năm ngoái, Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) thời kỳ 2021-2030 chính thức được ban hành, vạch ra lộ trình cho các mục tiêu về năng lượng tái tạo của Việt Nam.

May mắn là sự phát triển của các phương tiện chạy điện đang đóng góp vào mục tiêu cân bằng phát thải các-bon và thúc đẩy nguồn lực phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn cho Việt Nam. Các nhà làm xe điện trong nước đã phần nào thành công trong phát triển xe máy điện.

Ước tính doanh số bán xe điện hàng năm của Việt Nam.

Ước tính doanh số bán xe điện hàng năm của Việt Nam.

Ngày nay, thị trường xe máy điện của Việt Nam đang lớn nhất ở ASEAN và lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong tương lai, thị trường xe điện Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.

HSBC đưa ra dự đoán, xe máy điện sẽ tiên phong trong công cuộc phát triển xe điện của Việt Nam. So với ô tô điện, xe máy điện có giá vừa tầm hơn với độ tương đồng linh kiện cao hơn, và đã có tỷ lệ sản xuất nội địa cao. Người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang xe điện cũng sẽ quen thuộc với xe máy hơn, một phương tiện phổ biến nhiều hơn hẳn ô-tô vốn tương đối đắt tiền với tỷ lệ là 30 trên 1.

Trên thực tế, việc xe máy chiếm ưu thế, cả ở mảng chạy điện và nhiên liệu hóa thạch, không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Dự đoán doanh số bán xe điện của Bloomberg NEF, cho thấy đây là một hiện tượng phổ biến trên toàn Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 2030, HSBC kỳ vọng doanh số bán xe máy điện sẽ đi ngang ở Việt Nam khi thị trường xe máy trong nước bão hòa. Đồng thời, cho rằng thị trường ô tô điện của Việt Nam có tiềm năng to lớn chưa được khai phá xét bối cảnh hơn 60% người dân sở hữu xe máy trong năm 2020, trong khi mới chỉ có 5,7% sở hữu ô tô (theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, 22/7/2022).

Thậm chí, nhiều người trong ngành này tự tin rằng Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng ô tô điện của mình. Chẳng hạn, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự đoán, đến năm 2040, Việt Nam sẽ có 3,5 triệu ô tô điện lăn bánh trên đường.

Các nhà sản xuất xe điện nội địa Việt Nam, chẳng hạn như doanh nghiệp đầu ngành như VinFast, sẽ gặp thách thức khi nhân rộng mô hình thành công của xe máy điện trong mảng ô tô điện. Người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý chần chừ với lý do giá thành cao, sợ xe không đủ điện, lo lắng về pin và quan ngại về thiếu thốn cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Một vài trở ngại trong quá trình phổ biến xe điện có thể được giải quyết thông qua hỗ trợ về chính sách của nhà nước. Chẳng hạn, Việt Nam đã triển khai miễn lệ phí trước bạ đối với xe điện dùng pin, giảm thuế nhập khẩu xe điện dùng pin và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư vào xe điện chạy pin. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất chính sách trợ cấp 1.000 USD cho mỗi người mua ô tô điện nhưng đang vấp phải sự phản đối từ Bộ Tài chính.

Theo quan điểm của HSBC, chìa khóa để vượt qua những rào cản phổ biến ô tô điện ở Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng vốn cũng là một trở ngại đối với chuyển dịch năng lượng nói chung của quốc gia này. HSBC ước tính chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư và 14tWh năng lượng cộng dồn trong giai đoạn 2024-2040.

Chi phí lắp đặt xe điện và nhu cầu năng lượng hàng năm của Việt Nam.

Chi phí lắp đặt xe điện và nhu cầu năng lượng hàng năm của Việt Nam.

Thêm nữa, Việt Nam cũng có thể nâng cấp hệ sinh thái xe điện trong nước bằng cách tận dụng trữ lượng đất hiếm dồi dào, nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Mặc dù đất hiếm không phổ biến bằng lithium, vốn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện, 17 nguyên tố đất hiếm này vẫn rất có ý nghĩa đối với ngành sản xuất xe điện. Đặc biệt, neodymium và samarium thường được dùng trong nam châm động cơ.

Thành công của Việt Nam trong xanh hóa ngành ô tô cũng phụ thuộc vào việc duy trì đầu tư nước ngoài và hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Các công ty đa quốc gia của Nhật và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong ngành ô tô của Việt Nam. Minh chứng là trong danh sách mười doanh nghiệp nước ngoài đóng thuế thu nhập cao nhất năm 2022 có tên các nhà sản xuất ô tô như Honda, Toyota và Hyundai.

Trong quá trình điện hóa giao thông tại Việt Nam, HSBC kỳ vọng thị phần xe máy của các doanh nghiệp Nhật Bản hàng đầu, vốn chủ yếu tập trung vào phân khúc phương tiện dùng động cơ đốt trong, sẽ giảm vì bị thay thế bởi các đơn vị trong nước thống lĩnh mảng xe máy điện.

Một số người quan sát trong ngành dự đoán rằng VinFast, với kế hoạch nâng công suất mỗi năm từ 250.000 xe lên 1 triệu xe, có thể sau này sẽ trở thành nhà xuất khẩu xe điện hàng đầu sang các nước còn lại trong ASEAN. Indonesia có khả năng sẽ là thị trường nước ngoài chính của VinFast và các nhà sản xuất xe điện khác của Việt Nam do có vị trí địa lý gần gũi và dân số đông.

VinFast mới đây đã ký Biên bản Ghi nhớ nhằm cung cấp cho ba doanh nghiệp Indonesia 600 xe điện và đồng thời đang trong quá trình xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện ở nước này.

Trong bối cảnh thị trường xe máy và ô tô điện của Việt Nam mở rộng, HSBC cũng dự báo các nhà sản xuất trong nước sẽ tập trung nhiều hơn vào đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng xe điện trong khi thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc. Chẳng hạn, công ty mẹ của VinFast đã hợp tác với công ty Gotion High-Tech của Trung Quốc để phát triển một số loại pin LFP (Lithium sắt phốt phát) và xây dựng hai nhà máy sản xuất pin lithium ở tỉnh Hà Tĩnh dự kiến khánh thành vào Quý 3/2024.

Mới đây, công ty TMT Motors của Việt Nam công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với liên doanh GM và SAIC-Wuling để sản xuất và phân phối xe điện mang thương hiệu Wuling ở Việt Nam.

Mục tiêu xanh hóa phương tiện giao thông của ASEAN-6.

Mục tiêu xanh hóa phương tiện giao thông của ASEAN-6.

Đầu tháng 4, hãng Chery Automobile tuyên bố họ sẽ là công ty Trung Quốc đầu tiên xây dựng một nhà máy xe điện tại Việt Nam. Nhà máy lắp ráp trị giá 800 triệu USD, liên danh với tập đoàn Geleximco của Việt Nam tại tỉnh Thái Bình, sẽ có công suất sản xuất 200.000 xe mỗi năm sau khi hoàn thành vào Quý 1/2026.

Đầu tư từ Trung Quốc gia tăng có thể thúc đẩy hợp tác sản xuất với nước láng giềng Thái Lan nơi hãng BYD đang xây dựng một nhà máy trị giá 504 triệu USD để xuất khẩu xe điện sang Việt Nam với mức thuế nhập khẩu 0% áp dụng cho tất cả các nền kinh tế ASEAN. Nếu tận dụng các mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc và vượt qua những rào cản phổ biến xe điện cả trong và ngoài nước, HSBC cho rằng Việt Nam có tiềm năng để tăng tốc vượt qua các nước láng giềng ASEAN trong cuộc đua xanh hóa phương tiện giao thông.

Đoàn Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/dien-hoa-phuong-tien-giao-thong-va-cau-chuyen-xe-dien-tai-viet-nam-76660.html