Diên Khánh: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính
Năm 2023, tổng kinh phí đầu tư cho các nhiệm vụ chuyển đổi số của huyện Diên Khánh hơn 20,2 tỷ đồng. Huyện đang triển khai các nhiệm vụ, trong đó tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số.
Phát huy tính chủ động từ cơ sở
Sáng 14-6, ông Huỳnh Minh Hùng - công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Diên Lạc hỗ trợ người dân tra thông tin tại bảng niêm yết, tra cứu thông tin, nộp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến bằng mã QR đặt tại bộ phận một cửa. Ông Hùng cho biết, đây là giải pháp mới của Văn phòng UBND xã Diên Lạc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dùng điện thoại để nộp hồ sơ trực tuyến. Bộ mã gồm 120 mã QR của 30 lĩnh vực TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã. Người dân quét mã QR bằng điện thoại thông minh, nhấn vào link để truy cập, tìm hiểu và đăng nhập tài khoản để nộp hồ sơ trực tuyến. Xã Diên Lạc đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; đồng thời thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và xây dựng quy chế hoạt động tại các thôn để kịp thời phổ biến, triển khai những nhiệm vụ chuyển đổi số. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tiếp nhận trên phần mềm một cửa điện tử đạt 50,13%/tổng hồ sơ quy định trực tuyến.
Tại UBND xã Diên Lâm, công chức Bộ phận một cửa cũng chủ động hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số do tỉnh, địa phương triển khai. Bà Phan Thị Lệ Quyên - công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Diên Lâm cho biết, trước đây, người dân chưa thực sự quan tâm nhiều đến các dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, sim điện thoại của người dân không chính chủ nên việc lập tài khoản gặp nhiều khó khăn. Do đó, công chức xã đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện các bước nộp hồ sơ trực tuyến. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến của xã đạt 36%/tổng hồ sơ quy định trực tuyến.
Thời gian qua, huyện Diên Khánh đã xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai các kế hoạch chuyển đổi số; đồng thời xây dựng và kiện toàn đội ngũ nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay, 100% xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương do chủ tịch UBND các xã, thị trấn làm trưởng ban; 93/93 thôn, tổ dân phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và xây dựng quy chế hoạt động. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, bảo đảm các trang thiết bị cần thiết (hạ tầng mạng, chứng thư số cơ quan, chữ ký số lãnh đạo, máy quét văn bản...); sắp xếp nhân sự tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả để phục vụ công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về chuyển đổi số cũng được chú trọng. Trang Thông tin điện tử huyện đã đưa vào hoạt động chuyên trang “Chuyển đổi số” tại địa chỉ https://dienkhanh.khanhhoa.gov.vn/chuyen-doi-so từ tháng 5-2022 để đăng tải các tin tức, văn bản chỉ đạo, tài liệu, cẩm nang, hỏi đáp chuyển đổi số, kinh nghiệm chuyển đổi số.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, huyện đặt mục tiêu 100% TTHC đủ điều kiện được công bố trực tuyến toàn huyện và được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 80% cơ sở dữ liệu dùng chung được chia sẻ, kết nối trên toàn huyện và tổ chức sử dụng hiệu quả; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của huyện đạt chỉ tiêu tỉnh giao… Tổng kinh phí đầu tư cho các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 hơn 20,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng tiến hành rà soát, đề nghị bổ sung kinh phí cung cấp các thiết bị còn thiếu và thay thế trang thiết bị đã cũ, không đủ khả năng đáp ứng thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Gẩm - Chủ tịch UBND huyện cho biết, Diên Khánh là địa bàn thuần nông, việc tiếp cận công nghệ của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, người dân nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số. UBND huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng bài tuyên truyền về lợi ích, quy định, cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến... để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin. Đồng thời, chú trọng đào tạo cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ TTHC trên cổng dịch vụ công, đảm bảo giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của công dân.
Theo số liệu thống kê trên Phần mềm Một cửa điện tử từ ngày 1-1 đến 8-6, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của huyện đã tiếp nhận 2.322 hồ sơ (trong đó 967 hồ sơ mới tiếp nhận trực tiếp, 894 hồ sơ mới tiếp nhận trực tuyến, 461 hồ sơ kỳ trước chuyển qua); đã giải quyết 1.923 hồ sơ, còn lại đang giải quyết.