Diên Khánh: Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các di tích

Diên Khánh là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn, UBND huyện còn tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các di tích này.

Diên Khánh (Khánh Hòa) là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn, UBND huyện còn tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các di tích này.

Sáng 21-11, như mọi buổi sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, ông Đặng Hữu Hưng - Trưởng ban Quản lý di tích Văn Miếu lại dậy sớm, mở cửa Văn Miếu để chuẩn bị đón các đoàn học sinh (HS) đến tham quan, tìm hiểu về di tích. Theo kế hoạch, hôm ấy, hơn 50 HS Trường Tiểu học xã Diên Thọ đến thăm di tích. Sau khi dâng hương cho các bậc hiền nhân, Ban Quản lý Văn Miếu giới thiệu cho các HS về lịch sử của di tích, những người đã từng học hành và đỗ đạt cao trong các khoa thi thời phong kiến, đặc biệt là những người sau này trở thành các danh tướng trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Khánh Hòa do tướng Trịnh Phong lãnh đạo (1885 - 1886) như ông: Nguyễn Khanh, Lê Thiện Kế, Lê Nghị, Nguyễn Lương; truyền đạt về đạo đức làm người của Khổng Tử… Ông Đặng Hữu Hưng cho biết: “Hoạt động đưa HS tham quan Văn Miếu được thực hiện gần 3 năm nay. Chúng tôi rất phấn khởi vì đây là hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy giá trị của di tích, để di tích không bị mai một theo thời gian; đồng thời củng cố thêm kiến thức lịch sử các HS đã được học ở nhà trường, khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước”.

 Học sinh Trường Tiểu học Diên Thọ tham quan Nhà truyền thống huyện Diên Khánh.

Học sinh Trường Tiểu học Diên Thọ tham quan Nhà truyền thống huyện Diên Khánh.

Nhà truyền thống huyện Diên Khánh cũng là địa chỉ thường xuyên được các trường tổ chức cho HS đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương. Nơi đây lưu giữ hiện vật, tranh ảnh về các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Diên Khánh. Nhà truyền thống huyện thường mở cửa vào các buổi sáng cuối tuần để đón các đoàn HS đến tham quan, phần lớn là các trường trên địa bàn huyện và một số trường học ở TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh… Ngoài 2 địa chỉ này, trên địa bàn huyện Diên Khánh còn có nhiều di tích cũng được các đơn vị trong và ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức cho HS, đoàn viên, thanh niên đến tham quan, tìm hiểu như: Đền thờ Trần Quý Cáp, Thành cổ Diên Khánh, miếu thờ Trịnh Phong, Am Chúa…

Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Diên Khánh, từ năm 2018 đến nay, huyện luôn có kế hoạch tổ chức các hoạt động tại di tích Văn Miếu và Nhà truyền thống huyện. Theo đó, phòng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Đoàn Thanh niên huyện tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức cho giáo viên và HS tham quan Văn Miếu và Nhà truyền thống; phát học bổng cho HS hiếu hạnh, học giỏi tại Văn Miếu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động hè phù hợp (hội trại, tập huấn công tác đoàn, trồng cây, dọn vệ sinh) tại Văn Miếu… Trong đó, hoạt động cho giáo viên và HS tham quan Văn Miếu và Nhà truyền thống được tổ chức thường xuyên vào 2 ngày nghỉ cuối tuần với khoảng 200 lượt giáo viên, HS/ngày. Đầu tháng 11-2020, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức chương trình triển lãm với chủ đề: “Diên Khánh - Vùng đất của những di tích lịch sử - văn hóa” tại Văn Miếu. Triển lãm trưng bày hơn 60 hình ảnh về 5 di tích quốc gia (Thành Cổ Diên Khánh, Am Chúa, miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp, Văn Miếu) và 46 di tích cấp tỉnh trên địa bàn huyện; tổ chức triển lãm phục vụ quan khách và HS đến tham quan vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Ông Trần Hạnh Huy - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Diên Khánh cho biết, các hoạt động này được tổ chức nhằm giáo dục lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương đối với thanh thiếu niên, HS. Bên cạnh đó, các hoạt động còn góp phần khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; khơi dậy và nuôi dưỡng truyền thống hiếu học, hiếu hạnh cho thanh thiếu niên, HS. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì và đa dạng các hoạt động để tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua di tích lịch sử - văn hóa.

MAI HOÀNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202011/dien-khanh-giao-duc-truyen-thong-cho-the-he-tre-thong-qua-cac-di-tich-8195262/