Diện mạo của Gia Lâm sẽ thế nào khi lên quận?
UBND huyện Gia Lâm vừa trình UBND TP Hà Nội Đề án thành lập quận và 16 phường. Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm, việc thành lập quận và các phường sẽ phát huy được lợi thế, tiềm năng để Gia Lâm bứt phá vươn lên, trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch… của Thủ đô.
Đạt đủ các tiêu chí thành lập quận và phường
Theo UBND huyện Gia Lâm, đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận, 16 khu vực dự kiến thành lập phường đều đảm bảo đạt 10/13 tiêu chí.
Về tiêu chuẩn, huyện Gia Lâm đã đảm bảo đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập quận và 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Hiện tại, huyện đã hoàn thành dự thảo Đề án thành lập quận, các phường thuộc quận và báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị trình UBND TP; đồng thời xin chủ trương của UBND TP về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, TP Hà Nội.
Thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn
Theo UBND huyện Gia Lâm, sau khi trở thành quận, Gia Lâm vẫn giữ nguyên diện tích tự nhiên 116,64km2 và khoảng 310.000 dân. Tuy nhiên, về đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thì có sự thay đổi.
Trước khi thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, huyện Gia Lâm có 22 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 20 xã và 2 thị trấn. Trong quá trình xây dựng Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, UBND huyện Gia Lâm đã tiến hành rà soát các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, một số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định nên phải sáp nhập.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc được thực hiện với phương án như sau: Nhập xã Yên Viên với thị trấn Yên Viên để thành phường Yên Viên; nhập xã Kim Lan với xã Văn Đức, thành phường Kim Đức; nhập xã Đình Xuyên với xã Dương Hà, thành phường Thiên Đức; nhập xã Phù Đổng với xã Trung Mầu, thành phường Phù Đổng; nhập xã Kim Sơn với xã Phú Thị, thành phường Phú Sơn; nhập xã Đông Dư với với xã Bát Tràng, thành phường Bát Tràng.
Như vậy, khi trở thành quận, Gia Lâm sẽ có 16 phường gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.
Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã như trên đảm bảo sự đồng nhất của các đơn vị hành chính về các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên… Đồng thời nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; được đa số ý kiến người dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ.
Ngoài ra, UBND huyện Gia Lâm cũng điều chỉnh địa giới hành chính của 4 xã, thị trấn trên địa bàn do có những thay đổi về ranh giới, gồm: Thị trấn Trâu Quỳ và các xã Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đa Tốn. Mục đích của việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện các thủ tục hành chính sau này.
Sắp xếp cán bộ theo lộ trình
Cùng với phương án thành lập quận, phường, huyện Gia Lâm cũng đã có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ tại các đơn vị hành chính trực thuộc. Theo đó, đối với đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, Đảng bộ của đơn vị hành chính cấp xã mới sắp xếp và chuyển đổi tương ứng với đơn vị hành chính mới. Đại biểu HĐND của các đơn vị hành chính sau sắp xếp hợp thành HĐND của các phường và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.
Đối với UBND, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức của các phường mới thành lập cơ bản giữ nguyên bộ máy và cán bộ công chức của các xã hiện tại. Đối với các xã thực hiện sắp xếp, hợp nhất bộ máy, UBND của các đơn vị được sắp xếp thực hiện lại cơ cấu tổ chức, biên chế, số lượng và đối tượng cần tinh giản biên chế, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị; thực hiện giảm dần theo lộ trình 5 năm, đảm bảo số lượng theo quy định. Trước mắt, trong thời gian xây dựng Đề án và phê duyệt Đề án, huyện tạm dừng việc tuyển dụng công chức cấp xã.
Ngoài ra, UBND huyện cũng đã có phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các đơn vị hành chính sau khi thành lập.
Hoàn thiện lấy ý kiến cử tri trong tháng 8
Đến thời điểm này, hồ sơ thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm đã đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. Đề án thành lập quận Gia Lâm cũng đã đảm bảo về bố cục, nội dung theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã được UBND huyện Gia Lâm trình UBND TP Hà Nội xem xét, cho ý kiến. Hiện tại, UBND huyện Gia Lâm đã có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc xin chủ trương tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.
Theo đó, từ nay đến 24/8/2023, UBND huyện Gia Lâm sẽ thực hiện các bước lấy ý kiến cử tri tại các xã và tổng hợp kết quả gửi UBND TP trình HĐND TP. Tiếp đó, HĐND cấp xã, cấp huyện sẽ tổ chức họp để thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, chậm nhất vào 28/8/2023, sau đó sẽ hoàn thiện hồ sơ và đề nghị HĐND TP Hà Nội họp để thảo luận, biểu quyết.
Thành lập quận Gia Lâm và các phường là phù hợp ý Đảng, lòng dân
Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm là phù hợp với các chủ trương của Đảng và Nhà nước; phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa của huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn trong thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, giúp Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, tạo nên bộ mặt mới cho đô thị trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Địa giới hành chính quận Gia Lâm: Phía Đông giáp huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và huyện Văn Lâm, tỉnh hưng Yên; phía Tây giáp quận Long Biên, quận Hoàng Mai và huyện Đông Anh; phía Nam giáp huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và huyện Thanh Trì; phía Bắc giáp thành phố Từ Sơn và huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Đồng thời, đây cũng là động lực mạnh mẽ tăng cường thu hút đầu tư, khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để huyện Gia Lâm bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục.
Thành lập quận Gia Lâm và thành lập các phường thuộc quận Gia Lâm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức để phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho Gia Lâm có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hơn nữa đời sống Nhân dân.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm khẳng định, xây dựng Gia Lâm trở thành quận là đáp ứng nguyện vọng của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Khi trở thành đơn vị hành chính cấp quận, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Gia Lâm sẽ tiếp tục phấn đấu để xây dựng Gia Lâm trở thành một quận giàu đẹp, văn minh của Thủ đô.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dien-mao-cua-gia-lam-se-the-nao-khi-len-quan.html