Diện mạo mới của sân khấu kịch nói

Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM lần 1 - 2024 đã trình làng một thế hệ tài năng kịch nói mới đầy bản lĩnh

Theo những người trong cuộc, Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM lần 1 - 2024 (từ ngày 12 đến 29-11) được ghi nhận là khá tốt về chuyên môn, nhiều vở diễn có nội dung phong phú, chinh phục được khán giả.

"Đại tiệc" kịch nghệ

Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM lần 1 - 2024 có sự tham gia của 20 đơn vị sân khấu trong và ngoài công lập, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật có hoạt động chuyên nghiệp lĩnh vực kịch nói với 25 vở diễn và khoảng 300 nghệ sĩ, diễn viên.

Các nhà chuyên môn cho rằng liên hoan lần này thật sự là "đại tiệc" của sân khấu kịch nói TP HCM, khi chỉ trong khoảng thời gian ngắn các sàn diễn sáng đèn mỗi ngày với 2 vở (14 giờ và 19 giờ 30 phút) khán giả có cơ hội thưởng thức nhiều dòng kịch nói với nhiều phong cách diễn xuất và hình thức dàn dựng. Nổi trội nhất vẫn là dòng kịch tâm lý, xã hội, bi kịch vốn được khán giả TP HCM yêu thích. Do vậy, rất đông khán giả đã đến xem các vở "Má ơi! Út dìa" (Nhà hát Kịch IDECAF), "Cơn mê cuối cùng" (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), "Bến lửa lòng" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Đứt dây tơ chùng" (Sân khấu Hồng Vân), "Tiếng chim vườn ngọc" (Công ty Sân khấu Điện ảnh Trăng)…

Một cảnh trong vở “Cơn mê cuối cùng” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh

Một cảnh trong vở “Cơn mê cuối cùng” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh

Các vở diễn khác cũng ăn khách như vở "Cù lao dậy sóng" (Công ty Nguyễn Vĩnh Lộc) dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; dòng kịch sử với "Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử" (Nhà hát Kịch IDECAF); thể loại mới là nhạc kịch như vở "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" (Sân khấu Thiên Đăng), "Bông cánh cò" (Sân khấu Hồng Vân) cũng được khán giả đón nhận.

Sự đa dạng của các vở diễn còn có thể loại kinh dị như vở "Đêm vượn hú" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Khúc dạ tâm" (Sân khấu Xóm kịch). Hay mang màu sắc tươi trẻ, tạo tiếng cười duyên dáng với: "Lỡ nhớ lầm thương", "Ông già đoàn lô tô" (Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Nhà hát Thế Giới Trẻ); "Dâu ngọt" (Sân khấu Trương Hùng Minh); "Vương quốc tâm hồn" (Công ty Ấn tượng mới)… Dòng kịch thiếu nhi cũng khá sinh động, cuốn hút với "Mễ Cốc phiêu lưu ký" (Sân khấu Trương Hùng Minh), "Colora xứ sở rực rỡ" (Sân khấu Ban Mai) .

Điều đáng chú ý là ngay cả các vở truyền thống cách mạng hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vào năm 2025, như: "Đồng chí" (Hội Sân khấu TP HCM), "Khát vọng hòa bình" (Nhà hát Kịch TP HCM), "Ngày ấy cổng trời" (Sân khấu Trịnh Kim Chi), "Những cánh hoa trinh trắng" (Công ty Ấn tượng mới), "Cánh đồng rực lửa" (Sân khấu Quốc Thảo) được dàn dựng mới mẻ, nên cũng thu hút khán giả.

Mô hình sân khấu xã hội hóa

Những người trong cuộc cho rằng Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM lần 1 - 2024 khép lại với nhiều tín hiệu vui. Liên hoan đã trình làng một thế hệ diễn viên mới có chuyên môn tốt, có đam mê nghề và hơn hết là bước đầu đã tạo dựng được chỗ đứng trong lòng khán giả.

Nhiều ý kiến cho rằng Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM lần 1 thật sự là điểm hẹn văn hóa của những người yêu thích lĩnh vực kịch nói. Thông qua liên hoan lần này, các đơn vị nghệ thuật có thêm nhiều thông tin, nhiều bài học thực tế về chuyên môn như chủ đề vở diễn, tính thẩm mỹ trong vở diễn, sự sáng tạo, phương thức dàn dựng, cách thể hiện hình tượng nhân vật trong đời sống xã hội đương đại…

"Mỗi tác phẩm tham dự liên hoan là một sắc thái khác nhau, song cùng hướng đến mục tiêu chung là xây dựng diện mạo mới cho sân khấu kịch nói TP HCM. Tôi có nhiều kỳ vọng cho một thế hệ tài năng kịch nghệ mới đầy bản lĩnh của TP HCM trong tương lai" - NSƯT Ca Lê Hồng bày tỏ.

Nghệ sĩ Quốc Thảo bộc bạch: "Thế hệ chúng tôi như nghệ sĩ Việt Anh, Thành Lộc, Hồng Vân, Thanh Thủy, Minh Nhí, Kim Xuân... rồi sẽ lui lại phía sau hỗ trợ các lớp đàn em. Qua liên hoan lần này, nhiều diễn viên trẻ đã tạo dựng được bản sắc riêng cho kịch nói TP HCM, đã khẳng định được thương hiệu của mô hình sân khấu xã hội hóa".

NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận: "Thế mạnh của sân khấu TP HCM bấy lâu nay là vở diễn phải bán được vé, hướng đến tính giải trí và phù hợp với sở thích của công chúng.

Nhiều vở diễn của Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM năm nay đã làm được điều này. Vở diễn không chỉ dựng để đi thi mà còn thu hút số lượng khán giả thực. Họ chính là những vị giám khảo thẩm định chất lượng nghệ thuật các vở diễn".

NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhìn nhận: "Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM lần 1 - 2024 thật sự là cuộc trình diễn phong phú, cho thấy một diện mạo đầy năng lượng của lĩnh vực kịch nghệ TP HCM và sự đam mê nghề nghiệp của các diễn viên".

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dien-mao-moi-cua-san-khau-kich-noi-196241128201934595.htm