Truyền tải tình yêu quê hương qua sản phẩm gốm
Đến với nghề gốm khi mà 'cả xã làm gốm', nhưng nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hòa đã tìm được một lối đi riêng. Anh luôn chú trọng khai thác vốn văn hóa Việt vào sản phẩm, để từ đó tạo ra những sản phẩm mới.
Với anh, đó chính là truyền tải đi tình yêu quê hương. Hướng đi ấy không chỉ định hình phong cách “gốm Hòa” mà còn giúp anh thành công, trở thành một doanh nhân có tiếng ở Bát Tràng.
Một lần tình cờ bọn trẻ nhà nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hòa đưa cho anh xem hình ảnh một cổ vật chúng tìm được trên mạng và hỏi: “Bố ơi, đây là cái gì?”. Anh bảo: “Đây là cái trống đồng thời Đông Sơn”. Anh hỏi lại: “Thế tại sao con không biết? Ở lớp con không được học à?”. Chính câu chuyện đó đã “dẫn” Nguyễn Mạnh Hòa đến ý tưởng tạo ra một mẫu sản phẩm có hình trống đồng. Làm thế nào để đưa họa tiết, hoa văn của trống đồng lên một sản phẩm phù hợp, có thể lột tả được vẻ đẹp của trống đồng là điều anh phải suy nghĩ rất lâu và lên ý tưởng.
Cuối cùng, anh quyết định làm một chiếc chum có hoa văn trống đồng. Các chiếc chum thông thường có vai tròn-tức khoảng từ miệng đến thân. Nhưng nếu làm “vai tròn” sẽ khó diễn đạt hết nét đẹp của trống đồng nên anh chuyển hóa thành “vai vuông”. Phần vai này kết hợp phần nắp biểu hiện phần mặt trống, còn phần thân chum tương ứng với một phần tang trống.
Sau nhiều lần thử nghiệm thì sản phẩm đã chính thức ra đời. Dù giá khá cao, nhưng anh không có hàng để bán. Chưa hết, chỉ một thời gian sau, nhiều xưởng gốm khác ùn ùn làm theo, nhiều người sao chép mẫu, nhưng Nguyễn Mạnh Hòa cũng không buồn. Bởi mẫu chum của anh chứng minh được khả năng chinh phục thị trường.
“Chính câu chuyện của con tôi khiến tôi thấy mình có trách nhiệm phải khai thác sâu hơn nét đẹp văn hóa Việt vào sản phẩm. Tôi lấy thí dụ khi một khách hàng mua chiếc chum của mình, họ có thể trang trí, hoặc đựng những đồ vật nào đó rồi bày trong phòng, những đứa trẻ nó sẽ nhìn thấy, chúng sẽ như con tôi, tò mò hỏi đó là hình gì. Như vậy, chúng đã đến được với văn hóa của đất nước mình. Điều đó làm tôi rất vui”, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hòa chia sẻ.
Nguyễn Mạnh Hòa sinh ra lớn lên ở Giang Cao, một làng nghề gốm nổi tiếng cạnh làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Từng làm việc ở lĩnh vực khác, nhưng rồi bị “nghiện” gốm nên anh trở về công việc với đất và lửa. Khi khởi nghiệp với công việc đốt lò, biết bao câu hỏi đặt ra với Hòa.
Anh sẽ làm đồ gia dụng bát đĩa, ấm chén? Cả xã có hàng trăm hộ làm rồi. Anh sẽ làm các loại bình, lọ, chum, vại? Toàn xã cũng hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh. Làm gì là câu hỏi rất khó. Muốn khẳng định được tên tuổi, phải làm khác đi. Hòa nghĩ đến việc sản xuất những đồ gốm với công năng chính là trang trí trong gia đình. Giai đoạn khởi nghiệp đi kèm với bao trăn trở, nếu không, đốt lò rồi sẽ bị… cháy lò.
Anh nhớ lại: “Nếu chỉ làm đẹp thì không đủ, nhiều người đã làm đẹp rồi. Tôi nghĩ, về mặt mỹ thuật, sản phẩm của mình phải có những câu chuyện trong những hoa văn, hình dáng trang trí. Về mặt công năng, thì sản phẩm cũng phải có những khác biệt, thêm những tính năng thuận tiện cho cuộc sống, hoặc tăng tính tiện dụng. Thí dụ như cùng một chậu hoa, làm thế nào để nó đẹp mà người ta ít phải tưới nước chăm sóc cây. Điều này đòi hỏi cả một quá trình tìm tòi, kết hợp giữa những truyền thống và hiện đại”.
Thế rồi những thử nghiệm của Hòa dần được thị trường chấp nhận. Anh không hoạt động đơn độc một mình mà phối hợp với các bạn trẻ để cùng triển khai những ý tưởng sáng tạo. Càng làm anh càng nhận ra “vốn” văn hóa của dân tộc mình. Vốn văn hóa ấy cũng là cách để có thể đưa ra thế giới, khẳng định bản sắc.
Thí dụ như khi xuất khẩu một sản phẩm ra nước ngoài, trước hết phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng quốc tế, với kiểu dáng, mẫu mã cơ bản phù hợp. Nhưng cần phải đưa vào các yếu tố trang trí mang “chất Việt” vào sản phẩm. Chỉ có làm như vậy mới có thể chinh phục được khách hàng bằng sự khác biệt, mà qua đó, lan tỏa đi được nét đẹp văn hóa Việt.
Sinh năm 1979 và khởi nghiệp muộn hơn bạn bè, nhưng với việc tìm tòi hướng đi riêng của mình, Công ty TNHH Gốm sứ Bảo Khánh do Nguyễn Mạnh Hòa sáng lập và làm giám đốc hiện có ba xưởng sản xuất, với hơn 100 công nhân.
Hành trình tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Việt của anh không chỉ được thị trường đón nhận mà còn được ghi nhận qua nhiều giải thưởng quan trọng. Tháng 10/2024, anh giành Giải nhì Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2024 với sản phẩm Chum sành thổ cẩm. Sản phẩm Chum sành thổ cẩm, không chỉ tôn vinh nét đẹp của các dân tộc thiểu số, mà còn tạo nét đặc trưng riêng cho dòng sản phẩm của mình.
Sau khi ra mắt thị trường, đây cũng là một trong những mẫu sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hành trình sáng tạo của Nguyễn Mạnh Hòa là một minh chứng, khi tâm huyết với nghề, với văn hóa Việt, người ta sẽ thu được thành công.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/truyen-tai-tinh-yeu-que-huong-qua-san-pham-gom-post847544.html