Diện mạo mới ở thôn đồng bào Châu Ro

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đồng bào Châu Ro thôn 4, xã Trà Tân (Đức Linh) nỗ lực khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc…

Diện mạo mới ở thôn đồng bào Châ

 Lưu giữ nét văn hóa đồng bào Châu Ro.

Lưu giữ nét văn hóa đồng bào Châu Ro.

Lưu giữ văn hóa truyền thống

Một ngày cuối tháng 11, sân Nhà văn hóa thôn 4 chật ních người, đồng bào Châu Ro có mặt đông đủ chung vui ngày hội toàn dân, thắt chặt tình đoàn kết. Nếu ở trò chơi bịt mắt bắt heo, đi cầu khỉ, giã bánh dày rộn ràng những tiếng reo hò, thì đến phần thi bắn nỏ tĩnh lặng và thu hút người xem một đông hơn. Mọi người chăm chú quan sát các tay thiện xạ giương cao nỏ, rồi hồi hộp đưa mắt nhìn tấm bia trước mặt chờ mũi tên lao vút trúng gần tâm nhất. Sau khoảng im lặng là tràn vỗ tay tán thưởng, cứ thế phần thi thêm hấp dẫn. Đứng bên tôi, bà Võ Thị Đốp, mắt không chớp dõi theo suốt buổi thi cho đến khi ban tổ chức công bố Võ Văn Đừng người bắn nỏ giỏi nhất, bà mới quay sang tôi nói: “Ngày trước sinh sống trên các vùng núi cao, gần các cánh rừng già, ông bà sử dụng nỏ săn bắn chim, thú rừng làm thức ăn, cánh nỏ như nghề mưu sinh. Bây giờ nỏ chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, tết nhưng nỏ vẫn được coi là một vật có giá trị lịch sử của đồng bào dân tộc Châu Ro”.

Đồng bào Châu Ro thôn 4 hiện nay còn duy trì các đội văn nghệ quần chúng như đội biểu diễn cồng chiêng, đội đờn ca tài tử, khôi phục lại một số nghề truyền thống như làm bành dày, làm rượu cần… Các đội văn nghệ quần chúng vẫn thường hay tụ họp nhau lại để tập luyện giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc và biểu diễn trong các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Anh Võ Văn Lợi – Trưởng thôn 4, xã Trà Tân chia sẻ: “Tiếng cồng chiêng của đồng bào Châu Ro âm thanh phát ra rất riêng, nó gần gũi như hơi thở, tiếng nói nhịp thở đồng bào. Vì vậy, khi tổ chức vận động bà con trong thôn góp kinh phí để mua một bộ cồng chiêng văn hóa và một số vật dụng văn hóa đặc trưng của dân tộc, ai cũng hưởng ứng và đóng góp tùy theo khả năng kinh tế của mình. Vì số tiền rất lớn, đồng bào rất mong sự quan tâm hỗ trợ thêm của Nhà nước”.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Thôn 4, xã Trà Tân thuần đồng bào dân tộc thiểu số Châu Ro, toàn thôn có 352 hộ với 1.547 nhân khẩu. Những năm qua, cơ sở hạ tầng trong thôn được quan tâm đầu tư, từ trung tâm xã vào thôn đường sá thuận tiện, trường học, nhà văn hóa khang trang. Đặc biệt, hệ thống kênh mương thủy lợi xây dựng kiên cố tạo điều kiện sản xuất hiệu quả, tăng năng suất cây trồng. Ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản nước ngọt, toàn thôn có 430 ha trồng nhiều loại cây trồng lúa, hoa màu, tiêu, cao su, cà phê cho hiệu quả kinh tế. Sản xuất nông nghiệp dần được cơ giới hóa, máy móc thay cho sức người. Mùa gặt đến, máy gặt đập liên hợp tuốt lúa đóng bao ngay tại chân ruộng.

Trưởng thôn Võ Văn Lợi nhẩm tính, toàn thôn hiện có trên 15 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, một vài điểm thu mua nông sản và nhiều cửa hàng dịch vụ kinh doanh, buôn bán nhỏ. Đời sống của người dân được nâng lên, số hộ nghèo trong thôn nay chỉ còn 13 hộ nghèo chiếm 3,69%. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Ban vận động thôn 4 thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu ý nghĩa chương trình tích cực tham gia giữ vững 19 tiêu chí NTM xã NTM Trà Tân. Từ đầu năm đến nay đồng bào cùng nhau hiến hàng trăm mét đất làm đường giao thông nội đồng, làm kênh mương thoát lũ cánh đồng Trơn, làm đường vào khu sản xuất suối Đục, đường nội đồng cấp phối vào khu sản xuất tại tổ 2. Vừa qua, người dân thôn 4 phấn khởi, bởi vừa có thêm tuyến đường ánh sáng an ninh do Xã đoàn Trà Tân xây dựng, góp phần đảm bảo an ninh nông thôn…

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/dien-mao-moi-o-thon-dong-bao-chau-ro-133545.html