Điện rác có khung giá mới
Bộ Công Thương vừa chính thức phê duyệt khung giá phát điện từ chất thải rắn sinh hoạt điện rác với mức tối đa 2.575,18 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Mức giá này sẽ được áp dụng trong các hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư nhà máy điện rác, thay thế cho cơ chế giá FIT 10,05 US cents/kWh (giá ưu đãi) theo Quyết định 31/2014/QĐ-TTg.
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được phê duyệt, điện rác được xác định là một trong những nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên phát triển. Bởi đây không phải là dự án phát điện thương mại thông thường như các loại hình nguồn điện khác, mà còn hướng đến mục tiêu xử lý môi trường cho các địa phương.
Mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất điện sản xuất từ rác, chất thải rắn đạt khoảng 1.441 - 2.137 MW; định hướng đến năm 2050 là khoảng 1.784 - 2.137 MW. Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai các dự án điện rác hiện đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do các rào cản pháp lý và thủ tục hành chính phức tạp.

Số lượng nhà máy điện rác được đưa vào vận hành trong thời gian qua còn hạn chế do vướng mắc nhiều cơ chế.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đầu tư điện rác phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện dự án điện rác.
Chẳng hạn, quy định pháp luật hiện vẫn thiếu cơ chế riêng cho việc lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng theo hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - vốn là đặc thù của các dự án điện rác.
Vấn đề cam kết đầu vào, như khối lượng rác ổn định để vận hành nhà máy cũng là một nút thắt lớn. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng dù đã đầu tư hạ tầng xử lý hiện đại, họ vẫn không được bảo đảm nguồn rác đủ về số lượng và ổn định về chất lượng, do các quy hoạch quản lý chất thải tại địa phương chưa rõ ràng, hoặc do chưa có cơ chế ràng buộc trong hợp đồng giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Để khắc phục những vướng mắc trên, VCCI đề xuất ban hành quy định cho phép địa phương ký kết hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải dài hạn với các nhà máy điện rác; cân nhắc thành lập tổ công tác của trung ương để hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện các dự án điện rác; phân cấp cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng và môi trường.
Đặc biệt, cơ quan Nhà nước cần thiết kế lại danh mục dự án điện rác trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng mở, ưu tiên cho các dự án có khả năng triển khai trước.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dien-rac-co-khung-gia-moi-post1740140.tpo