Diện tích sắn giảm, dịch bệnh đeo bám

Nông dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) trồng sắn. Ảnh: LÊ TRÂM

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2020-2021, nông dân trồng hơn 27.550ha, đang ở giai đoạn phát triển thân lá, tích lũy tinh bột. Diện tích này giảm 631ha so với vụ trước, tuy nhiên so với quy hoạch thì tăng hơn 6.050ha (diện tích quy hoạch 21.500ha). Thời gian qua, bệnh khảm lá, nhện đỏ, rệp sáp bột hồng đang đeo bám, dẫn đến nguy cơ năng suất giảm.

Sắn lấn mía, nhường keo

Diện tích gò đồi, từ xã Xuân Lãnh đến xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), trước đây phần lớn nông dân trồng mía, nay đã chuyển sang trồng sắn. Bà Phan Thị Hiền ở xã Đa Lộc cho hay: Vùng này nông dân bỏ mía chuyển sang trồng sắn vì mía giảm giá. Hơn nữa trồng sắn đến mùa thu hoạch, nông dân chỉ cần nhổ từng chòm chở bằng xe lôi đến trạm cân bán cho thương lái mua gom, còn mía phải thuê công chặt đủ chuyến xe 15-20 tấn mới chạy đến nhà máy.

Dọc hai bên quốc lộ 19C, vùng gò đồi giáp ranh giữa thôn Suối Mây, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) và thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), những năm trước mía đứng đám vươn lá xanh, giờ thì khó tìm ra đám mía. Ông Ma Lâm ở thôn Hòa Ngãi, chia sẻ: Động gò sau hè nhà tôi trước đây nông dân trồng mía rồi chuyển sang trồng sắn, sau đó trồng keo. Khi cây keo còn nhỏ, họ trồng xen sắn, đến khi keo lớn thì để đất tập trung nuôi keo.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, niên vụ sắn 2019-2020, nông dân trồng 4.474ha, đến niên vụ 2020-2021 thì trồng 4.200ha, với các giống sắn KM419, KM94, KM444, giảm 274ha so với niên vụ trước.

Ông Bùi Văn Tiến ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cho hay, năm qua nhà ông trồng 1ha sắn, nhưng sắn bị nắng hạn thiếu nước lại bệnh khảm lá nên ông cày phá gốc lấy đất trồng keo, trong đó có 0,5ha trồng sắn xen keo. “Đất gần đường thuộc diện đất đẹp (đất bằng phẳng), mấy năm qua tôi chuyên trồng mía giờ bỏ mía trồng sắn xen keo. Không chỉ nhà tôi mà nhiều người ở đây cũng thế”, ông Tiến nói.

Theo ông Alê Y Bớ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, niên vụ này diện tích sắn trồng toàn huyện là 6.060ha, giảm 240ha so với niên vụ trước (niên vụ trước toàn huyện trồng 8.460ha).

Thống kê của Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2020-2021, toàn tỉnh trồng hơn 27.550ha, giảm 631ha so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi diện tích quy hoạch chỉ 21.500ha. Đối với cây mía, niên vụ 2020-2021, nông dân trong tỉnh trồng 21.820ha cả trồng mới và lưu gốc, trong khi đó quy hoạch trồng trên diện tích 23.000ha.

Năng suất giảm

Đầu tháng 9 vừa qua, trên vùng trồng sắn của tỉnh, bệnh khảm lá gây hại 13.450ha, nhện đỏ gây hại 30ha (huyện Sông Hinh), rệp sáp bột hồng gây hại 15ha (huyện Đồng Xuân).

Tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá virus gây hại lây lan với diện tích 7.300ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.300ha, giai đoạn cây con phát triển thân lá, tập trung tại các xã Sông Hinh, Đức Bình Đông, Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bá, Ea Bia, Ea Bar, Ea Trol và thị trấn Hai Riêng. Còn tại huyện Đồng Xuân, bệnh này gây hại với diện tích 3.000ha, diện tích nhiễm nặng 550ha, tập trung tại các vùng trồng sắn trong huyện.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, rệp sáp bột hồng là loại sâu hại nguy hiểm không có thuốc đặc trị, chỉ khi trời mưa chúng mới tự chết, còn trời nắng thì lây lan nhanh. Diện tích sắn khi bị rệp sáp bột hồng, bệnh khảm lá, nhện đỏ gây hại thì không cho hoặc giảm năng suất, thiệt hại lớn về kinh tế.

Ông Đặng Ngọc Tân, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Thời gian qua, do nắng hạn, dịch bệnh đã làm giảm năng suất một số cây trồng chính như lúa, mía, sắn. Đối với cây sắn niên vụ 2019-2020, nông dân thu hoạch 4.474ha, năng suất đạt 20 tấn/ha, giảm 2 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước. Còn theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa Alê Y Bớ, năng suất sắn niên vụ 2019-2020 nông dân thu hoạch chỉ đạt 16 tấn/ha, giảm 4 tấn/ha so với kế hoạch đề ra.

Cũng do dịch bệnh đeo bám nên niên vụ sắn 2019-2020, nông dân toàn tỉnh thu hoạch 28.181ha, năng suất bình quân chỉ đạt 16,8 tấn/ha, trong khi đó theo kế hoạch ngành Nông nghiệp đề ra năng suất sắn đạt 22 tấn/ha. Riêng niên vụ 2020-2021, nông dân trồng hơn 27.550ha, sắn đang giai đoạn phát triển thân lá, bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ tiếp tục đeo bám thì đến cuối vụ nguy cơ giảm năng suất.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Phòng NN-PTNT và các địa phương tăng cường điều tra rà soát diện tích bị bệnh khảm lá virus hại sắn và rệp sáp bột hồng tại các vùng trồng sắn. Cung cấp thông tin và hướng dẫn nông dân cách phát hiện, phòng trừ bệnh khảm lá sắn, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bọ phấn trắng qua các phương tiện truyền thông. Đồng thời ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển giống sắn từ vùng có bệnh sang vùng không bệnh.

Để phòng trừ dịch bệnh đeo bám cây sắn, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước, giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng mới; tiến hành tiêu hủy những cây sắn có biểu hiện bệnh khảm lá. Đồng thời vận động nông dân tiêu hủy những cây sắn bị rệp sáp bột hồng, nhện đỏ gây hại.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/245640/dien-tich-san-giam-dich-benh-deo-bam.html