Điệp viên nguyên tử bí ẩn nhất Liên Xô trong Dự án Manhattan
Tháng 4/1991, trên một tờ báo của Liên Xô, đại tá KGB hồi hưu Vladimir Chikov viết rằng vào những năm 40, trong số những điệp viên Liên xô thâm nhập vào Dự án Manhattan, còn một người nữa. Điệp viên này có mật danh là Perseus và chưa bao giờ bị lộ.
Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc chuyển bí mật nguyên tử của Mỹ về Liên Xô. Nhưng điều quan trọng nhất là vào thời điểm công bố bài báo, ông vẫn còn sống! Kể từ đó, ít nhất có 10 cuốn sách về siêu điệp viên bí ẩn Liên Xô đã được xuất bản. Nhưng danh tính thực sự của ông vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng.
Perseus
Thời gian này, ở Liên Xô, đã xảy ra những biến cố chính trị lớn, nên ít ai quan tâm tới các điệp viên. Tuy nhiên, ở Mỹ, nó có tác dụng như một quả bom. Ở đấy, người ta biết rằng tại phòng thí nghiệm Los Alamos, nơi quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới được chế tạo, có những người hợp tác với tình báo Liên Xô. Cụ thể là nhà vật lý Đức lưu vong Klaus Fuchs, một người cộng sản kiên định. Ông bị phát hiện vào năm 1950, và một thời gian dài được coi là người cung cấp thông tin chính cho các cơ quan tình báo Liên Xô. Một điệp viên khác bị phát hiện cùng lúc là David Greenglass, thợ máy người Mỹ.
Giờ đây, hóa ra các cơ quan tình báo Mỹ đã bỏ sót điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô trong phòng thí nghiệm khoa học bí mật nhất nước này. Các phương tiện truyền thông gọi Perseus là con người bí ẩn đã thay đổi tiến trình lịch sử. Vấn đề không phải các nhà khoa học Liên Xô không thể chế tạo ra một loại vũ khí như vậy. Nói đúng hơn, thông tin do Fuchs và Perseus cung cấp có ý nghĩa quan trọng về mặt tổ chức.
Lúc đầu, Stalin tỏ ra hoài nghi các lý thuyết về vũ khí có sức mạnh hủy diệt, đặc biệt là khi đang diễn ra cuộc chiến tranh với Đức Quốc xã và cần phải chi tiêu rất nhiều việc. Nhưng thông tin nhận được từ bên kia đại dương đã thuyết phục Stalin rằng mặc dù chiến tranh, không nên tiếc tiền cho việc nghiên cứu và chế tạo loại vũ khí này, và dự án hạt nhân của Liên Xô đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Nếu không có thông tin đó, rất có thể, công việc chế tạo bom nguyên tử chỉ có thể bắt đầu sau khi kết thúc chiến tranh. Mà đến thời điểm đó, trong điều kiện độc quyền hạt nhân của Mỹ, có thể xảy ra rất nhiều vấn đề.
Perseus đã chuyển cho Liên Xô những thông tin chi tiết về cấu trúc của "Fat Man" (“Thằng béo”) và nguyên tắc hoạt động của nó, nhờ đó các chuyên gia Liên Xô không phải mất thời gian làm các thí nghiệm. Ông cũng thông báo về việc thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ.
Những xác nhận trước khi qua đời
Chẳng bao lâu sau khi xuất hiện bài báo, Liên bang Xôviết sụp đổ, Nhà nước mở cửa biên giới, và các nhà báo và nhà sử học nước ngoài đổ xô đến nước Nga với hy vọng tìm hiểu một điều gì đó về siêu điệp viên nguyên tử. Ban đầu, người ta rất hoài nghi về khả năng các cơ quan tình báo có thể bỏ sót một nhân vật quan trọng như vậy ở Los Alamos. Tuy nhiên, sau vài cuộc phỏng vấn, ý kiến đã thay đổi.
Năm 1992, một năm trước khi qua đời, Anatoly Yatskov xác nhận thông tin về sự tồn tại của Perseus. Vào những năm 1940, Anatoly Yatskov giữ chức Phó lãnh sự Liên Xô tại Mỹ dưới cái tên Anatoly Yakovlev. Thực chất, Yatskov chính là người liên lạc với các điệp viên nguyên tử Liên Xô trong Dự án Manhattan. Theo ông, Perseus là nhân vật chủ chốt của tình báo Liên Xô, tất cả những thông tin về chương trình hạt nhân của Mỹ vốn có ở Liên Xô, đều nhận được từ ông và Fuchs. Yatskov cũng xác nhận rằng Perseus không bị lộ và hiện vẫn còn sống.
Xác nhận tiếp theo đến cùng năm từ Leontine Cohen, còn được gọi là Helen Kroger. Bà và chồng là Morris làm nhiệm vụ liên lạc giữa tình báo Liên Xô và các điệp viên trong Dự án Manhattan. Vài tháng trước khi qua đời, bà Cohen xác nhận rằng vào những năm 1940, bà đã mang một tài liệu tuyệt mật đến New York, và tài liệu này do một thanh niên trẻ tham gia Dự án Manhattan cung cấp cho bà. Bà không cho biết tên anh ta, nhưng ám chỉ rằng đó không phải là Fuchs.
Cuối cùng, vào năm 1995, không lâu trước khi qua đời, Morris Cohen, lúc bấy giờ sống ở Nga, đã lên tiếng. Ông cũng xác nhận sự tồn tại của Perseus, đồng thời nói rằng anh ta đóng một vai trò rất quan trọng và bí mật đến mức trên thế giới có không quá ba người (kể cả Cohen) biết tên thật của anh ta.
Xác nhận tuyệt mật
Khoảng giữa năm 1995, đã xảy ra một sự kiện gây ấn tượng mạnh. Mỹ giải mật chương trình “Venona” và công bố tất cả các tài liệu liên quan. Chương trình đánh chặn các mật mã và điện tín của Liên Xô này hoạt động từ năm 1943, và được giữ bí mật tuyệt đối suốt nửa thế kỷ. Trong thời gian đó, hàng chục nghìn báo cáo của Liên Xô đã bị chặn, nhưng chỉ có thể giải mã không quá ba nghìn báo cáo.
Trong các bản mật mã của những năm 1940, cái tên PERS được nhắc tới nhiều lần. Tất nhiên, ngay lập tức mọi người nghĩ đó là Perseus. Tưởng như, có thể coi sự hiện diện của điệp viên này đã được chứng minh. Nhưng danh tính thực sự của anh ta thì vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Mặc dù thừa nhận sự hiện diện của điệp viên này, nhưng các nguồn tin của Liên Xô không tiết lộ nhiều vì sợ anh ta bị phát hiện.
Những đặc điểm của Perseus rất mơ hồ: người Mỹ bản địa, có cảm tình với tư tưởng cánh tả, cung cấp thông tin, nhưng không nhận tiền; vào đầu những năm 1940, bố mẹ sống ở New York; có thể, đã tham gia cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha về phía phe Cộng hòa, đến năm 1991, vẫn còn sống. Tuy nhiên, trong số những người tham gia Dự án Manhattan mà chúng ta đã biết, không một người nào hoàn toàn phù hợp với mô tả này. Dù sao, vẫn có một số ứng cử viên tiềm năng.
Chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình
Cuối những năm 1990, nhà khoa học kiêm nhà hoạt động xã hội người Mỹ Jeremy Stone đã tiết lộ danh tính của Perseus trong một cuốn sách của mình. Theo ý kiến của ông, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Philip Morrison là người ẩn dưới mật danh này. Từ nhỏ, ông ta đã có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản, và đã tận mắt chứng kiến sức mạnh hủy diệt của vũ khí nguyên tử mà ông tham gia chế tạo, Morrison trở thành nhà hoạt động tích cực của phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, những bằng chứng của Stone không thực sự rõ ràng. Ví dụ, ông khẳng định rằng trong một cuộc trò chuyện riêng với Morrison, ông ta tình cờ nhắc đến Perseus và thấy hai chân của người đối thoại "run lên bần bật". Morrison rất tức giận và dọa sẽ kiện Stone vì tội vu khống, đồng thời nhắc lại rằng hồi nhỏ ông bị bệnh bại liệt, và từ đó buộc phải chống gậy khi di chuyển, và chứng run chân là người bạn đồng hành thường xuyên của ông trong cuộc đời. Ngoài ra, bố mẹ của Morrison không sống ở New York, mà ở một bang hoàn toàn khác. Các đồng nghiệp của Morrison cũng hết sức ủng hộ ông, và cuối cùng, Stone buộc phải chính thức xin lỗi nhà khoa học, đồng thời bác bỏ những tuyên bố vô căn cứ của mình.
Dấu vết giả
Sau khi giải mật kho tài liệu của “Venona”, các chuyên gia đã xác định rằng trong Dự án Manhattan, Liên Xô còn có một điệp viên chưa bị phát hiện trước đây là Oscar Seborer. Một số nhà báo đã vội vàng đồng nhất anh ta với Perseus, nhưng sau đó, người ta nhận ra rằng đây là dấu vết giả. Oscar Seborer quả thật làm việc cho Liên Xô, nhưng không đạt đến tầm cỡ Perseus. Anh ta chỉ là một kỹ sư quân sự làm công việc đo lường tác động địa chấn của một vụ nổ nguyên tử. Trên cương vị này, anh ta có mặt tại các vụ thử vũ khí hạt nhân “Trinity”. Ngoài ra, trong các mật mã của Liên Xô, anh ta mang biệt danh “Nakhodka”. Cuối cùng, bố mẹ của Seborer chuyển đến Palestine vào cuối những năm 1930.
Thần đồng trẻ
Thần đồng vật lý Theodore Hall được coi là ứng cử viên khả dĩ nhất. Chính anh ta là người có nhiều trùng hợp nhất với Perseus. Thứ nhất, bố mẹ anh sống ở New York vào đầu những năm 40, còn theo hồi ức của Cohen, cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ diễn ra tại thành phố này, nơi anh ta đến thăm người thân bị ốm. Thứ hai, vợ chồng Cohen gọi Perseus là chàng trai trẻ. Trong khi hầu hết các nhà khoa học đều ở độ tuổi trưởng thành. Tốt nghiệp Harvard năm 18 tuổi, năm 19 tuổi, Hall đã tham gia Dự án Manhattan, trở thành người tham gia trẻ nhất. Thứ ba, những thông tin do Perseus cung cấp gần như hoàn toàn trùng khớp với lĩnh vực hoạt động của Hall. Thứ tư, anh ta có cảm tình với những tư tưởng cánh tả.
Chỉ có hai sự kiện trong tiểu sử Theodore Hall không khớp: chiến tranh Tây Ban Nha và mật danh. Trong các mật mã của Liên Xô, Theodore Hall được gọi là Mlad. Nhưng điều này rất dễ giải thích. Các nguồn của Liên Xô không muốn tiết lộ danh tính của anh ta, vì vậy họ cố tình đưa thông tin giả vào tiểu sử của Perseus để đánh lạc hướng. Bởi tính đến năm 1991, anh vẫn chưa bị phát hiện.
Mãi đến năm 1995, sau khi công bố kho lưu trữ của “Venona”, điệp viên Mlad mới được xác định. Vào thời điểm đó, Hall vẫn còn sống và gián tiếp xác nhận rằng đó chính là ông. Còn sau khi Hall qua đời vào năm 1999, bà quả phụ của ông đã xuất bản một cuốn sách thực sự thừa nhận sự hợp tác của chồng mình với tình báo Liên Xô.
Hiện nay, phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng Perseus là nhân vật hư cấu, được tạo ra để ngụy trang cho Mlad, ông ta cũng là Theodore Hall. Đây chính là nhân vật chủ chốt nhất đã chuyển phần lớn bí mật nguyên tử của Mỹ cho tình báo Liên Xô. Tuy nhiên, không thể khẳng định 100%, vì vậy có những giả thuyết cho rằng dù sao Perseus vẫn tồn tại.