Điều Bình Phước, măng cụt Bình Dương mất mùa vì hạn hán

Hạn hán kéo dài đang gây thiệt hại nặng nề cho các nhà vườn trồng điều Bình Phước và măng cụt Bình Dương, khiến sản lượng của 2 loại đặc sản này sụt giảm nghiêm trọng. Trước thực trạng này, người dân mong muốn chính quyền có các biện pháp ứng phó hạn hán hiệu quả hơn và thực hiện chính sách hỗ trợ thiết thực để có thể yên tâm giữ vườn.

Hạn hán kéo dài, nhà vườn thua lỗ

Bình Phước được mệnh danh là "vựa điều" lớn nhất cả nước với diện tích trồng điều lên đến gần 150.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú. Sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 200.000 tấn. Điều Bình Phước nổi tiếng với chất lượng cao, thơm ngon và được ưa chuộng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, sản lượng điều Bình Phước giảm sút nghiêm trọng. Dự kiến, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 10,5 tạ/ha, giảm 1 tạ/ha so với năm trước, thấp nhất trong 4 năm qua.

Mùa khô vừa qua, nhiều vườn điều ở Bình Phước bị khô, chết cây nên người dân phải chặt bỏ (ảnh: ĐC)

Mùa khô vừa qua, nhiều vườn điều ở Bình Phước bị khô, chết cây nên người dân phải chặt bỏ (ảnh: ĐC)

Bà Trần Thị Lan, người dân ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ, gia đình bà có 3 ha điều, năm nay thu hoạch bình quân chỉ 5,5 tạ/ha, giảm gần một nửa so với năm trước. Năng suất giảm kéo theo thu nhập không cao, khiến cuộc sống người dân rất khó khăn. Nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh thiếu hụt vốn để đầu tư chăm sóc cây điều.

“Nếu nhà nào có điều kiện thì đầu tư mua phân tro, nhà nào nghèo thì đến giờ vẫn chưa có tiền mua phân tro bón cho cây cối. Người có thì không nói, người nghèo chỉ biết xin hỗ trợ vốn, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để về đầu tư cải tạo, trồng lại những cây chết”, bà Trần Thị Lan nói.

Nắng nóng khiến sản lượng điều ở Bình Phước giảm sâu (ảnh: ĐC)

Nắng nóng khiến sản lượng điều ở Bình Phước giảm sâu (ảnh: ĐC)

Tương tự như điều ở Bình Phước, măng cụt - một loại trái cây đặc sản của tỉnh Bình Dương cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất mùa do hạn hán. Theo các nhà vườn, năm nay, sản lượng măng cụt Bình Dương giảm sút khoảng 70% so với năm ngoái.

Nhiều nhà vườn trồng măng cụt tại Bình Dương cho biết, họ đã cố gắng áp dụng các biện pháp tưới nước, tuy nhiên do hạn hán kéo dài khiến cho cây măng cụt không đủ nước để phát triển và ra quả.

“Thời tiết năm vừa rồi quá nóng, kéo dài thời gian nóng, nước từ sông cũng hạn chế đi vào vườn. Gia đình đã tưới bằng nước khoan, nước máy nhưng cũng không chịu nổi. Đến lúc mưa, măng cụt mới trổ thì bị rụng. Măng cụt thì đặc biệt là nắng không trổ, mà trổ nếu gặp mưa là rụng ngay. Do đó, năm nay đạt từ 30-35% so với năm vừa rồi đã là hạnh phúc cho nhà vườn”, ông Phan Văn Châu, người dân ở xã An Sơn, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết.

Cần giải pháp hiệu quả

Hạn hán kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng điều, măng cụt mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho các nhà vườn, đặc biệt là những hộ gia đình sống phụ thuộc vào việc trồng trọt. Nhiều nhà vườn lâm vào cảnh thua lỗ do sản lượng thu hoạch giảm sút, giá bán thấp nên phải vay mượn tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc lại vườn cây.

Sau những cơn mưa, vườn măng cụt ở Bình Dương xanh tốt trở lại (ảnh: Thiên Lý)

Sau những cơn mưa, vườn măng cụt ở Bình Dương xanh tốt trở lại (ảnh: Thiên Lý)

Trước thực trạng này, người dân mong chính quyền các cấp có những biện pháp ứng phó hạn hán hiệu quả hơn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để tái sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Giàu, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Thuận An cho biết, hiện nay toàn thành phố có hơn 600 ha măng cụt, chủ yếu ở xã An Sơn, phường Hưng Định, Bình Nhâm. Trước đây, theo Quyết định số 63 của UBND tỉnh Bình Dương có hỗ trợ phân bón, chi phí chăm sóc vườn cây ăn trái cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách này đã hết hiệu lực nên tỉnh đang rà soát để có quyết định mới hỗ trợ nông dân giữ vườn. Riêng khó khăn trước mắt của nông dân do mất mùa, Hội đã kiến nghị các ngành có giải pháp hỗ trợ vay vốn.

"Liên tục trong các buổi họp giao ban, họp Phòng Kinh tế, UBND TP, Hội đều có ý kiến để xem xét. Bởi nguồn hỗ trợ nông dân cũng khá lớn nên phải có sự phối hợp các ngành, các cấp của tỉnh và thành phố mới thực hiện được. Trong lúc chờ hỗ trợ, Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ dạy nghề của tỉnh, trung tâm khuyến nông tập huấn ngắn hạn cho nông dân về bảo dưỡng, chăm sóc vườn cây ăn trái sau thu hoạch”, ông Nguyễn Thanh Giàu thông tin.

Ông Châu cho biết, năm nay, vườn măng cụt không có trái, thu hoạch khoảng 30% so với năm trước (ảnh: Thiên Lý)

Ông Châu cho biết, năm nay, vườn măng cụt không có trái, thu hoạch khoảng 30% so với năm trước (ảnh: Thiên Lý)

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, năng suất cây điều ở Bình Phước giảm sút không chỉ do ảnh hưởng của thời tiết mà còn do vườn điều già cỗi, trồng bằng giống cũ, chiếm đến 70% tổng diện tích điều tại Bình Phước.

Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc đầu tư hệ thống thủy lợi, Bình Phước sẽ tổ chức theo dõi, bình tuyển và công nhận những giống điều phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương theo Dự án tái canh vườn điều đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt.

Dự án này sẽ cung cấp giống điều mới, năng suất cao, phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng địa phương cho người dân, nhằm thay thế dần những diện tích điều cũ năng suất thấp.

Hạn hán đang là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở nhiều địa phương. Do đó, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và người dân để đẩy mạnh công tác phòng chống hạn hán, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dieu-binh-phuoc-mang-cut-binh-duong-mat-mua-vi-han-han-post1101175.vov