Điều chỉnh chủ trương đầu tư không làm đội vốn Chương trình mục tiêu quốc gia

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, khi điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, thì nguồn vốn là nằm trong tổng nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ, sẽ không đội vốn...

Quốc hội thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Quochoi.

Quốc hội thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Quochoi.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình này, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong chương trình.

PHÂN VỔ VỐN CÓ TRỌNG ĐIỂM, TĂNG HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa, cho rằng về điều chỉnh vốn thực hiện chương trình là vấn đề rất cần thiết để thực hiện tốt việc lồng ghép, phân bổ vốn, song đề nghị cần xem lại thời gian áp dụng cho phù hợp.

Bởi vì giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, vốn đầu tư công đã được giao cho địa phương, vốn sự nghiệp cũng đã được phân bổ đến hết năm 2024. Do đó, đại biểu đề nghị cần nêu rõ điều chỉnh bổ sung cho giai đoạn 2026 – 2030.

Đồng thời, phân bổ vốn trung hạn hằng năm và phân bổ vốn sự nghiệp cũng phải phù hợp, tránh trường hợp phân bổ, giao vốn sự nghiệp và phân bổ vốn đầu tư công không ăn khớp, sẽ làm ảnh hưởng lớn tới việc bố trí vốn cho các dự án cụ thể.

Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa. Ảnh: Quochoi.

Đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ về bổ sung vốn hơn 4.000 tỷ đồng cho nội dung này, song đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông đề nghị cần làm rõ hơn kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng được sử dụng từ nguồn nào, vì trong Nghị quyết 120 của Quốc hội đã quy định số vốn cụ thể.

Cũng thống nhất với nội dung điều chỉnh nguồn vốn thực hiện và đối tượng thuộc diện đầu tư của chương trình, đại biểu Cầm Hà Chung, đoàn Phú Thọ, nhấn mạnh việc điều chỉnh này phải đảm bảo các nguyên tắc không làm tăng tổng mức đầu tư, và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120.

Từ đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình, đảm bảo tính chất pháp lý, sự thống nhất, chặt chẽ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Đại biểu Cầm Hà Chung, đoàn Phú Thọ. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Cầm Hà Chung, đoàn Phú Thọ. Ảnh: Quochoi.

Riêng đối với việc điều chỉnh nguồn vốn thực hiện chương trình, đại biểu Cầm Hà Chung cho rằng trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đã được Quốc hội quy định rõ nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn sự nghiệp.

Tuy chương trình này không ghi rõ, nhưng trên thực tế nguồn vốn từ ngân sách trung ương phân bổ cho chương trình, gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp đã được Quốc hội quyết định và được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm.

Theo đại biểu, để đảm bảo sự thống nhất với các nghị quyết phân bổ vốn của Quốc hội, và quyết định phân bổ vốn hằng năm của Thủ tướng Chính phủ, việc điều chỉnh nguồn vốn thực hiện chương trình trong chủ trương đầu tư là cần thiết.

“Vốn đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn sự nghiệp đã phân bổ đến năm 2024, và năm 2025 đã có số dự kiến thông báo cho các Bộ, ngành, địa phương. Do vậy, tôi đề nghị trong chủ trương đầu tư ghi rõ số vốn từng nguồn như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”, đại biểu đoàn Phú Thọ góp ý.

Cũng quan tâm về nội dung này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, tham mưu xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện chương trình.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang. Ảnh: Quochoi.

Trong đó, cần giới hạn phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện để áp dụng làm cơ sở tính toán, phân bổ vốn ngân sách trung ương cho từng địa phương, tùy tình hình thực tế, nội dung, nhu cầu.

“Từng địa phương sẽ xây dựng tiêu chí, định mức, phân bổ, áp dụng triển khai nhằm đảm bảo nguồn lực bố trí phù hợp với nhu cầu có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nói.

Nữ đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn của chương trình đúng địa bàn, đúng đối tượng. Đồng thời, có cơ chế huy động thêm nguồn lực bổ sung cho các địa phương để triển khai thực hiện, tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ, doanh nghiệp.

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐỂ ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN

Giải trình thêm về vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cho biết trong Nghị quyết 120, nguồn vốn chương trình được quy định là nguồn vốn đầu tư công trung hạn.

Nhưng trong thực tế hằng năm, Chính phủ đã xây dựng phương án phân bổ vốn, chương trình bao gồm cả vốn đầu tư công và vốn chi thường xuyên. Bởi chương trình mục tiêu quốc gia được tích hợp rất nhiều các chính sách giai đoạn trước, trong đó có cả vốn đầu tư hoặc vốn chi thường xuyên.

“Thực tế, hiện nay đang triển khai không có gì vướng mắc. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với các quy định pháp luật, để đảm bảo sự thống nhất giữa chủ trương đầu tư của Quốc hội, quyết định về phân bổ nguồn vốn hằng năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh nội dung này của Nghị quyết 120", ông Lềnh nói và cho rằng việc này đảm bảo tính phù hợp, thống nhất giữa các văn bản pháp luật.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi.

Với băn khoăn của đại biểu về nguồn vốn của chương trình lấy từ đâu và có đội vốn hay không, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết nguồn vốn để thực hiện là hơn 4.000 tỷ đã được phân bổ trong tổng nguồn vốn mà Quốc hội đã phê duyệt, đó là 50.000 tỷ cho vốn đầu tư công, và 54.000 tỷ vốn chi thường xuyên của chương trình giai đoạn 2021-2025.

“Các nội dung này đã được phân bổ cho các địa phương. Các địa phương đã lựa chọn các danh mục, chỉ vướng là các danh mục địa phương lựa chọn rất mong muốn để được đầu tư, nhưng vì không nằm ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng đặc biệt khó khăn, nằm ở địa bàn thôn, bản, nên đề nghị điều chỉnh về địa bàn để tổ chức thực hiện. Như vậy, nguồn vốn là nằm trong tổng nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ, không đội vốn lên, tức là không tăng thêm ngoài 4.000 tỷ”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh lý giải.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cho biết Quốc hội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương chương trình mục tiêu quốc gia, cả về nguồn vốn đầu tư công, vốn thường xuyên, phạm vi và đối tượng.

Đồng thời, giao Chính phủ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành danh mục đầu tư cụ thể, bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả, mục tiêu chương trình, và không làm thay đổi tổng mức vốn của chương trình giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt.

Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất giữa các văn bản của Chính phủ, của các Bộ, ngành trung ương; chỉ đạo thực hiện cần phân cấp, phân quyền triệt để và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn. Qua đó, tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện, đẩy nhanh giải ngân vốn của chương trình, phát huy hiệu quả và giá trị chính trị của chương trình.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát kỹ 4 nhóm đối tượng, bảo đảm sự thống nhất của các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo nguyên tắc đã được Quốc hội quyết định, không để bỏ sót đối tượng, nhằm phát huy đóng góp của người dân, doanh nghiệp có hoạt động ở địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dieu-chinh-chu-truong-dau-tu-khong-lam-doi-von-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia.htm