Điều chỉnh cơ chế tự chủ để phát triển giáo dục Đại học
Sau thời gian các cơ sở GD ĐH thực hiện tự chủ, bên cạnh thành tựu còn bộc lộ những vướng mắc, khó khăn, nhất là trong công tác quản trị và nhân sự.
Nâng cao vai trò hội đồng trường
Luật Giáo dục Đại học (hiệu lực 1/7/2019) nêu rõ vai trò của hội đồng trường (HĐT). Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, thời gian qua HĐT ở một số trường đại học hoạt động chưa hiệu quả do chưa thật sự là tổ chức có quyền lực.
Vụ việc điển hình cho “khoảng trống” của Luật (chưa quy định rõ ràng) là trường hợp nhân sự tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. HĐT này đề xuất nhân sự quản lý nhà trường nhưng Bộ GD&ĐT không chấp nhận khi phát hiện các quyết định nhân sự của HĐT sai luật, không đúng quy trình, quy định.
Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thực tế, vai trò của HĐT ở nhiều nơi chỉ có nhiệm vụ giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng… HĐT chưa có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. GS Bùi Văn Ga cho rằng trường đại học nào có HĐT tốt sẽ hoạt động và phát triển tốt hơn thông qua quản trị hiệu quả.
Từ những khó khăn, bất cập trong công tác quản trị và nhân sự, GS.TS Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông - đề xuất: Chính phủ cần có quy định cụ thể về HĐT, quy định này như một văn bản pháp quy dưới luật, trong đó có tiêu chuẩn chủ tịch HĐT, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của HĐT phải do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê chuẩn. Có như vậy HĐT mới thật sự có vai vế, đủ tầm là cơ quan chủ quản của trường đại học.
GS Bùi Văn Ga cho biết: Hiện nay, xu hướng chung trên toàn cầu là chuyển dần từ hệ thống Nhà nước kiểm soát sang giám sát. Hệ thống quản trị đại học hiện đại tách bạch vai trò quản trị (trách nhiệm của HĐT) ra khỏi quản lý (trách nhiệm của ban giám hiệu).
Tách quản trị ra khỏi những mối quan hệ quyền lợi vật chất để HĐT có thể quyết định các chính sách, chiến lược, định hướng phát triển, giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, chịu trách nhiệm trước Nhà nước và xã hội... Còn ở Việt Nam, luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của HĐT nhưng nhiều nơi thực hiện mờ nhạt.
Vì vậy, theo GS Bùi Văn Ga, để HĐT phát huy tốt nhất vai trò, vị trí theo luật quy định “HĐT cần có quy chế rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm thành viên tham gia HĐT, cách thức truyền đạt ý kiến, thảo luận để đưa ra quyết nghị của HĐT. Thành viên đại diện HĐT phải có quyền lực thực sự, các vấn đề của trường phải trình lên HĐT trước đây giờ được giải quyết ngay tại HĐT bằng ý kiến tập thể của hội đồng, trong đó, có ý kiến chỉ đạo của HĐT thông qua thành viên đại diện sẽ giúp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sự phát triển nhà trường”.
Một phó hiệu trưởng trường đại học tại TPHCM cho rằng HĐT theo luật quy định là tiếng nói của tập thể - những người do tập thể cán bộ quản lý, giảng viên lựa chọn ra thì nên trao cho họ quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng. Việc HĐT nhiều nơi hiểu sai chức năng nhiệm vụ, lấn sân quản lý điều hành của ban giám hiệu bởi chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ từng thành phần trong cơ cấu bộ máy nhà trường. Tự chủ mà nhân sự quản lý vẫn phải xin ý kiến cấp trên thì rất khó toàn diện.
Tăng quyền để đổi mới quản trị
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng: Các công cụ và nền tảng số đang định hình lại cách người học suy nghĩ và hành động. Người học vào đại học với kiến thức, kỹ năng khác biệt so với các thế hệ trước và học tập không chính thức đóng vai trò quan trọng trong định hình các hoạt động học tập cá nhân. Vì vậy, trường đại học phải chuyển đổi mô hình từ đảm bảo nội dung sang khám phá tri thức; thu nhận thông tin sang xây dựng kiến thức hợp tác. Đây là thách thức lớn cho các trường đại học nhưng không thể không làm.
TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng vai trò của chủ tịch HĐT và hiệu trưởng cần được quy định để thực hiện khả thi trong thực tiễn, bởi hiện nay hiệu trưởng vẫn nắm quyền cốt lõi và quan trọng trong hoạt động nhà trường. Theo TS Mai Hoa, cần có quy định cụ thể, rõ ràng đối với quy trình tổ chức bộ máy quản trị nhà trường, từ đó sẽ tháo gỡ được các vấn đề khi thành lập mới hoặc nhiệm kỳ mới của HĐT, giải quyết triệt để các mối quan hệ về quyền lực, trách nhiệm giữa HĐT và hiệu trưởng.
“Mối quan hệ ba bên: Nhà nước, HĐT và hiệu trưởng cần được nhận thức rõ hơn nữa. Hiệu trưởng với tư cách người điều hành công việc thường xuyên của nhà trường trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất về chuyên môn, học thuật. Đây là những quyền cốt lõi, quan trọng mà hiệu trưởng phải đảm nhận và cũng là việc HĐT không nên can thiệp trực tiếp.
HĐT chịu trách nhiệm tập thể về chủ trương chiến lược, chính sách; hoạch định những đổi mới của nhà trường kể cả trong những lĩnh vực chuyên môn, học thuật để bắt kịp đòi hỏi của xã hội, người học, thị trường lao động; phòng ngừa và xử lý các rủi ro phát sinh trong quá trình đổi mới, chịu trách nhiệm về những hoạch định đó”, TS Mai Hoa nói.
TS Mai Hoa cho rằng, thực tế ở nhiều nơi giảng viên, cán bộ quản lý đặt ra câu hỏi: Chủ tịch HĐT và hiệu trưởng ai lớn hơn? Điều này ít nhiều cho thấy việc đổi mới quản trị tại đơn vị đó chưa ổn, tính chất cạnh tranh quyền lực ông – tôi vẫn còn. Do đó cần đồng bộ, minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học.
“Tự chủ đại học có thực sự đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào các quy định có tính rõ ràng, tường minh và khả thi của Luật và hệ thống văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành”, TS Mai Hoa nhấn mạnh.
“Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và có hiệu quả nhất, bảo đảm chính sách, pháp luật về tự chủ phải đồng bộ và cụ thể. Cần xem xét cụ thể hóa điều kiện, thẩm quyền và thủ tục giải thể HĐT; nguyên tắc hoạt động và quan hệ phân cấp, phân quyền giữa hội đồng đại học với HĐT thành viên; quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể việc thành lập HĐT (hay không) trong cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học…”, TS Mai Hoa đề xuất.