Điều chỉnh kinh doanh theo thị hiếu để kích cầu tiêu dùng nội địa
Chiều 13/8, tại TP.HCM, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương có buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp bán lẻ về tình hình kích cầu tiêu dùng nội địa.
Tại buổi làm việc, đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ, hiệp hội ngành hàng đều có chung nhận xét là sức mua tại thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm lại trong năm 2023 vẫn kéo dài đến thời điểm này.
6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ, các nhóm hàng có đóng góp lớn cho mức tăng chung là lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm, giáo dục...
Mức tăng trưởng này thấp hơn so với mục tiêu của ngành Công Thương đặt ra trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại chiến lược thương mại trong nước.
Theo nhiều doanh nghiệp, để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, các địa phương và ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, nhất là nhà sản xuất nhỏ lẻ, nhà sản xuất sản phẩm OCOP liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành đầu mối cung cấp hàng. Từ đó, doanh nghiệp bán lẻ chỉ cần liên hệ với một vài đầu mối là có thêm nhiều sản phẩm với giá hợp lý, đưa thẳng ra thị trường.
Còn doanh nghiệp bán lẻ phải nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để điều chỉnh thì mới có thể tăng doanh thu. Thậm chí, tăng tiêu thụ, tăng doanh thu hay không có đến 50% phụ thuộc vào khâu nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bán lẻ đều có sự điều chuyển cho phù hợp với sự thay đổi thói quen tiêu dùng như: khuyến mãi theo khung giờ, theo phân khúc khách hàng; tăng lượng hàng thực phẩm hữu cơ, tăng ngành hàng sức khỏe; đẩy mạnh kết hợp với nhà sản xuất và các địa phương để có nhãn hàng riêng với giá cả phù hợp nhất…Thế nhưng, kết quả kinh doanh hơn 6 tháng qua cũng chưa khả quan. Doanh nghiệp đang bám sát thị hiếu tiêu dùng để có thể kích cầu hơn nữa trong thời điểm từ nay đến cuối năm.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, một yếu tố mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải quan tâm để kích cầu nội địa, đó là khâu logistics, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
"Lấy thị trường trong nước, thông qua các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà bán buôn bàn lẻ để định hướng cho sản xuất trong nước. Đồng thời xác định khâu phân phối lưu thông, logistics là quan trọng để kết nối nhà sản xuất với nhà bàn lẻ và đưa hàng hóa đến người tiêu dùng. Khâu này quan trọng, chiếm tỉ lệ, chi phí rất cao trong hoạt động phân phối"- Ông Chinh cho biết thêm.