Điều chỉnh mở rộng Hòn Cau ra hướng biển gần 4.000 ha
Hòn Cau là 1 trong 16 khu bảo tồn biển trong cả nước có trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm và có các rạn san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với trên 230 loài.
Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về Đề án “Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng và ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận” (Đề án).
Hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Bộ NN&PTNT
Theo đó, việc triển khai thực hiện Đề án là cần thiết, phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học, giảm thiểu các yếu tố tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn biển khu vực nghiên cứu với phát triển KT-XH theo hướng bền vững.
Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp để hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Bộ NN&PTNT.
Trong đó, lưu ý một số nội dung như tính toán dịch chuyển đường ranh tiếp giáp khu vực ven bờ của Phân khu dịch vụ - hành chính của Khu bảo tồn ra phía biển một khoảng cách hợp lý, không xung đột với các hoạt động hiện hữu của người dân và việc xây dựng các công trình phục vụ phát triển KT-XH ven biển trong tương lai.
Đối với diện tích đất đảo Hòn Cau, cần bố trí sử dụng hợp lý, vừa bảo đảm đất phục vụ bảo tồn; vừa bảo đảm đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; vừa phát triển du lịch - dịch vụ, theo hướng bố trí diện tích đất dịch vụ - du lịch khoảng từ 20 đến 30 ha.
Bố trí thêm kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất cần thiết nhằm thực hiện tốt các hoạt động của Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau.
“Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, ý thức của người dân và du khách về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo tồn biển nói chung và bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng.
Chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thông tin công khai, minh bạch về KBTB Hòn Cau để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai thực hiện Đề án” - Thông báo kết luận.
Hòn Cau sẽ có diện tích là 16.607,5 ha
Theo Đề án, sau khi điều chỉnh KBTB Hòn Cau sẽ có diện tích là 16.607,5 ha (16.467,5 ha biển và 140 ha đất).
Cụ thể, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích là 1.523,5 ha, gồm phần biển là 1.384,5 ha và phần đất trên đảo Hòn Cau là 139 ha; phân khu phục hồi sinh thái có diện tích là 963,7 ha biển; phân khu dịch vụ - hành chính có diện tích là 14.120,3 ha, gồm 4.119,3 ha biển và 1 ha đất trên đảo Hòn Cau.
Vùng đệm của KBTB Hòn Cau sẽ có diện tích biển là 1.356 ha.
Phân khu nghiêm ngặt được xác định để bảo toàn nguyên vẹn, giữ nguyên hiện trạng và theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên trên biển. Phân khu phục hồi sinh thái là triển khai hoạt động phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên trên biển.
Phân khu dịch vụ - hành chính được thiết lập để triển khai hoạt động dịch vụ, hành chính, hoạt động thủy sản có kiểm soát. Vùng đệm có mục tiêu là ngăn ngừa, giảm nhẹ tác động gây hại từ bên ngoài đối với khu bảo tồn biển.
KBTB Hòn Cau là 1 trong 16 khu bảo tồn biển theo quyết định số 742/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020, được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thành lập năm 2010.
KBTB Hòn Cau có tổng diện tích là 12.500 ha. Trong đó diện tích biển là 12.360 ha, được chia thành 4 phân vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: 1.250 ha; Vùng đệm: 1210 ha; Vùng phục hồi sinh thái: 808 ha; Vùng phát triển: 9.232 ha.
Đây là KBTB được đánh giá cao về đa dạng sinh học thể hiện ở sự đa dạng của thủy sinh vật, động vật đáy, rong, cỏ biển, san hô, cá, động vật không xương sống kích thước lớn, thú, chim, bò sát.
Rạn san hô và thảm cỏ biển phân bố xung quanh đảo là nơi sinh sống và là bãi đẻ của nhiều loại thủy sinh vật quý hiếm, trong đó có rùa biển. Vùng biển xung quanh đảo Hòn Cau còn có trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau.
Hòn Cau là vùng biển có các rạn san hô nguyên thủy dài hơn 2 km còn giữ được độ bao phủ cao với trên 230 loài, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển này.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dieu-chinh-mo-rong-hon-cau-ra-huong-bien-gan-4000-ha-post759143.html