Điều chỉnh mức sinh cao, nâng chất lượng dân số

Điện Biên là 1 trong 33 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm các địa phương có mức sinh cao. Nhằm điều chỉnh mức sinh, phấn đấu đạt mức sinh thay thế theo bình quân cả nước là 2,1 con/phụ nữ, các cấp, ngành chức năng đang nỗ lực triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực…

Cán bộ dân số xã Sa Lông (huyện Mường Chà) tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho người dân bản Sa Lông 2.

Cán bộ dân số xã Sa Lông (huyện Mường Chà) tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho người dân bản Sa Lông 2.

Tính đến hết năm 2023, mức sinh tại tỉnh Điện Biên là 2,35 con/phụ nữ. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thực trạng mức sinh cao trên địa bàn, bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết: Tỉnh Điện Biên đứng thứ 6/33 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước, chưa đạt mức sinh thay thế, mức sinh còn có sự chênh lệch giữa các vùng. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ phong tục tập quán, tâm lý ưa thích con trai, quan niệm của người dân về việc sinh con trai để có người thờ cúng, nối dõi tông đường... Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 49 tuổi chiếm tỷ lệ cao so với dân số làm cho mức sinh giảm chậm; tỷ số giới tính khi sinh không đồng đều giữa các vùng và không ổn định nguy cơ dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước đang chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, thì tỉnh Điện Biên phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ là giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Cán bộ dân số xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) tổ chức tuyên truyền giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các thôn, bản.

Cán bộ dân số xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) tổ chức tuyên truyền giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các thôn, bản.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã khám, siêu âm, tư vấn các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho hàng trăm chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại địa bàn các xã. Tại đây, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn các biện pháp phòng tránh thai, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện công tác DS - KHHGĐ, hệ lụy của việc sinh nhiều con và các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Nhờ được tư vấn, nhiều chị em đã thấy được tầm quan trọng của việc khám, chăm sóc sức khỏe.

Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo khám sức khỏe trước kết hôn cho người dân.

Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo khám sức khỏe trước kết hôn cho người dân.

Đến nay, 100% trung tâm y tế tuyến huyện triển khai các giải pháp giảm mức sinh trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức chiến dịch lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Triển khai chiến dịch và tổ chức hoạt động truyền thông dân số có ý nghĩa rất lớn, nhất là tại các huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa... Cùng với đó, nhiều năm qua, ngành dân số đã triển khai đưa dịch vụ KHHGĐ về những xã có mức sinh cao, xã đặc thù, khó khăn và nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân địa phương. Điều này góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện chính sách dân số, giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được sử dụng các dịch vụ CSSKSS hiệu quả.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở tỉnh Điện Biên đã giảm từ 2,62 con năm 2019 xuống còn 2,35 con năm 2023. Dù mức sinh vẫn cao, nhưng đây cũng là kết quả khả quan, khẳng định sự nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng.

Cộng tác viên dân số tổ chức truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới cho người dân xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo.

Cộng tác viên dân số tổ chức truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới cho người dân xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo.

Xác định tuyên truyền vận động là chủ lực trong công tác dân số, những năm qua công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng từ tỉnh đến cơ sở với khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với trung tâm y tế cấp huyện triển khai hoạt động truyền thông với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú. Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường học tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn về nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giáo dục giới, bình đẳng giới... Đồng thời, tăng cường truyền thông cao điểm qua việc tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến những xã khó khăn, có mức sinh cao; truyền thông trên loa tại xã, bản; truyền thông trên mạng xã hội. Chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng chuyên môn và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân.

Cán bộ phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Mường Chà) tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên dân số trên địa bàn.

Cán bộ phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Mường Chà) tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên dân số trên địa bàn.

Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt mức sinh thay thế. Để thực hiện mục tiêu trên, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Vũ Thị Thùy nhấn mạnh: Cùng với tăng cường sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương bao gồm cả chủ trương chính sách và nguồn lực, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về công tác dân số, đưa một số chỉ tiêu về dân số vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các đề án, mô hình, hoạt động thực hiện KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số. Cùng với đó, tổ chức hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, bàn giải pháp tháo gỡ. Đối với chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ dân số nhất là cộng tác viên dân số cần phải nghiên cứu và có sự thay đổi cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/216678/dieu-chinh-muc-sinh-cao-nang-chat-luong-dan-so