Điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát
Sáng 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội…
Tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, áp lực điều hành lạm phát vẫn rất lớn, nhất là từ 1-7 triển khai cải cách tiền lương và đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được chỉ số lạm phát mà Quốc hội cho phép.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để bảo đảm các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.
Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng cho biết chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Tương tự thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, bảo đảm tỷ giá đi đôi với chính sách tài khóa.
Cùng với đó, Chính phủ thúc đẩy và đưa ra chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm, đồng thời có nhiều chính sách tăng cường đầu tư khu vực công, cơ sở hạ tầng thiết yếu để bảo đảm cho sản xuất và kinh tế phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng, chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) về điểm nhấn trong cải cách thể chế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, nhiệm kỳ này, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, Chính phủ ưu tiên việc kiện toàn cơ quan quản lý, cắt giảm cơ quan trung gian, từ đó sẽ cắt giảm được thủ tục hành chính.
Hiện nay, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu là bảo đảm giải quyết thủ tục trực tuyến trên mọi cấp độ. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết hợp với cung cấp các dịch vụ công trực tiếp và cải cách tổ chức bộ máy và con người. Đây là hai vấn đề lớn nhất hiện nay.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Phó Thủ tướng nêu rõ, giải pháp thứ nhất đối với vấn đề liên quan đến thể chế, Chính phủ sẽ sớm đưa ra các văn bản pháp lý liên quan. Giải pháp thứ hai liên quan đến tổ chức thực hiện về thể chế, trách nhiệm cụ thể khi gắn các chủ thể trong quản lý. Giải pháp thứ ba liên quan đến chống đùn đẩy, tức là các văn bản pháp luật phải rõ ràng, cụ thể trách nhiệm.
Với thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, Phó Thủ tướng cho rằng, các vướng mắc hiện nay của người dân và doanh nghiệp sẽ được giải quyết, đặc biệt nhiều trình tự, thủ tục mà Chính phủ đang xem xét cắt giảm. Đồng thời, phải tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương để trực tiếp tổ chức thực hiện và làm rõ vai trò giám sát của Trung ương và địa phương.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) về phát triển công nghiệp phụ trợ, Phó Thủ tướng cho biết, vấn đề này cần rà soát các chính sách, tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tạo ra hệ sinh thái của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào những chuỗi này vẫn còn hạn chế. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm để chỉ ra những tồn tại, hạn chế.
Doanh nghiệp FDI đã cấp giấy phép đầu tư, nhưng phải đặt ra vấn đề các doanh nghiệp đó có cam kết công nghệ những ngành mới nổi, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, có lộ trình nội địa hóa, hướng tới việc Việt Nam có thể làm chủ một số lĩnh vực. Chúng ta có thể tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái này như công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, chíp bán dẫn…
Vẫn "nóng" chuyện an toàn thực phẩm
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần xem xét, rà soát các quy định pháp luật, thể chế... Thời gian tới, cần xem xét có quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm, từ sản xuất, chế biến, vận chuyển và nơi tiêu thụ…
Đồng thời, cần tập trung thanh tra, kiểm tra, tăng cường năng lực đầu tư trang thiết bị để kiểm soát nhanh các tiêu chí đối với an toàn thực phẩm. “Khi có hệ thống đồng bộ, được đầu tư bài bản, đủ năng lực về trang thiết bị để có thể giám sát và kiểm tra, chúng ta hoàn toàn đáp ứng được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp kích cầu du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chúng ta cần bảo đảm liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt gắn du lịch kết hợp các công ty du lịch lữ hành, nơi cư trú, thương mại, vận chuyển, kết nối giữ các địa phương để tạo ra những con đường di sản, những điểm đến hấp dẫn...
Chúng ta cần cải thiện sản phẩm du lịch, công tác quảng bá sản phẩm du lịch tốt hơn. Trên thực tế, chúng ta chưa có định hướng rõ ràng về các sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt. Nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu, đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng thì sẽ đạt được hiệu quả; đồng thời cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch...