Điều chỉnh phần mềm thi GPLX, liệu tỉ lệ trượt có giảm?
Trong năm 2023 vừa qua tại TPHCM có gần 76.000 thí sinh thi trượt giấy phép lái xe ô tô. So với năm 2022 thì tỉ lệ không đạt tăng gần 11%. Nguyên nhân được chỉ ra là một phần đến từ bài thi mô phỏng trong sát hạch, gây bất cập về điểm số đối với các thí sinh.
Đến nay Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức điều chỉnh lại phần mềm này và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2/2024. Để hiểu rõ hơn về việc tỉ lệ thí sinh thi trượt giấy phép lái xe ô tô tăng cao cũng như việc điều chỉnh và cập nhật phần mền mô phỏng các tình huống giao thông trong đào tạo và thi sát hạch lái xe, PV VOV giao thông có cuộc trao đổi với ông Ngô Đình Quang - Trưởng Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM.
PV: Ông có thể cho biết hoạt động đào tạo cũng như là thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua?
Ông Ngô Đình Quang: Trong năm 2023 vừa rồi, Sở GTVT TP.HCM thống kê tỷ lệ thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô của người dân trên địa bàn thành phố thì có giảm so với năm 2022. Sở dĩ có tình trạng này là kể từ tháng 6/2022, Bộ GTVT đã ban hành quy định bổ sung thêm một phần thi, đó là phần thi mô phỏng các tình huống giao thông.
Qua thống kê, tỷ lệ đậu trung bình khoảng 64% đối với sát hạch lái xe ô tô cho người dân. Tuy nhiên, vào năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống khoảng 54%.
PV: Hiện nay, việc tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô được chúng ta triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Ngô Đình Quang: Trước đây, việc sát hạch chỉ có 3 nội dung, nếu đạt từng nội dung một thi qua nội dung 2. Từ tháng 6 năm 2022, bổ sung thêm phần thi mô phỏng, thì tỷ lệ đậu giảm xuống khoảng 10% so với năm 2022. Qua đánh giá, chúng tôi thấy rằng người dân cũng như các cơ sở đào tạo lái xe cho biết phần thi mô phỏng 120 tình huống giao thông có nhiều nội dung còn bất cập cho nên.
Vừa rồi, Sở GTVT và các cơ quan có liên quan đã kiến nghị Bộ GTVT và Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các cơ quan Ban ngành.
Hiện nay, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông của Cục Đường bộ Việt Nam đã được cập nhật lại từ ngày 11/01/2024. Cục đã có văn bản triển khai cập nhật lại phần mềm mới để tổ chức học và sát hạch lái xe.
PV: Tới thời điểm này, việc đều chỉnh và cập nhật phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông được chúng ta triển khai như thế nào rồi thưa ông?
Ông Ngô Đình Quang: Hiện nay các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe cũng đã tiến hành cập nhật phần mềm mới.
Phần mềm mới này đã được sử dụng trong sát hạch cho người thi lấy giấy phép lái xe ô tô kể từ ngày 15/02/2024.
PV: Ông đánh giá như thế nào việc đưa phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông vào đào tạo và thi sát hạch lái xe. Cũng như kỳ vọng gì sau khi Cực Đường bộ Việt Nam điều chỉnh và cập nhật phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông sau hơn 1 năm triển khai?
Ông Ngô Đình Quang: Quan điểm của tôi là việc học 120 tình huống mô phỏng thực tế đã xảy ra là rất cần thiết vì nhiều khi người lái xe mới tiếp cận thì không thể nào biết được 120 tình huống này cho nên có được kiến thức này bổ xung cho người ta thì trong quá trình tham gia giao thông sau này tôi thấy rất là cần thiết, cho nên quan điểm của bản thân là tôi ủng hộ việc này.
Tuy nhiên, do phần mềm ban đầu nó còn có những cái thiếu sót, nhưng cũng đã được điều chỉnh để phù hợp hơn.
Cụ thể, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có điều chỉnh cho phù hợp hơn về các hình ảnh và thời gian xử lý tình huống chẳng hạn như thi sát hạch trước đây, thời gian chuyển tình huống chỉ có 3 giây thì bây giờ đã được điều chỉnh lên 10 giây và phần tính điểm là từ 0 đến 5 điểm thì phần mềm cũng đã kéo dài thời gian tính điểm.
Như vậy, tôi hy vọng tỷ lệ đậu trong phần thi mô phỏng này sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.
PV:Xin cảm ơn ông!