Điều chỉnh phù hợp chính sách thu - chi ngân sách bối cảnh dịch bệnh
Sáng 28/12, Viện Chiến lược và chính sách tài chính tổ chức Hội thảo Tác động của đại dịch tới thu chi ngân sách nhà nước và đảm bảo ngân sách cho lĩnh vực y tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ Tài chính đã điều chỉnh phù hợp chính sách thu - chi ngân sách nhà nước.
Cơ cấu lại thu ngân sách trong bối cảnh mới
Bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong điều kiện dịch bệnh kéo dài
Ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn về tài chính - ngân sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Chi tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực chống dịch
Theo nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), trước bối cảnh dịch bệnh, Bộ Tài chính đã thực hiện điều chỉnh trong chính sách và quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN): miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp đối với một số sắc thuế, khoản thu; đồng thời tăng cường quản lý thu NSNN.
Đối với các chính sách về thu NSNN, năm 2021 chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Thời điểm giãn cách xã hội đã khiến số thu giảm. Thu từ thuế giảm do hoạt động kinh tế bị gián đoạn và thực hiện gói hỗ trợ kinh tế. Để bù đắp số thu từ giảm thuế, Chính phủ đã phải tăng thu ngoài thuế.
Thu - chi NSNN được điều hành chặt chẽ, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: TL.
Về chi NSNN, trong năm 2021 NSNN đã được thực hiện chi chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội.
Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để triển khai thực hiện, trong đó yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, ưu tiên đảm bảo nguồn NSNN và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng chống dịch.
Trong đó, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh, cắt giảm, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, đảm bảo cân đối và phấn đấu giữ mức bội chi NSNN năm 2021 trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Năm 2021 đã thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, với số tiền khoảng 140 nghìn tỷ đồng.
Trung ương và địa phương căng mình chống dịch
Tại hội thảo, một số chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, đại diện cục thuế và sở tài chính địa phương đã phát biểu tham luận.
Cho ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho biết, trong năm qua chúng ta đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế rất lớn, tác động lớn tới dự toán thu NSNN Quốc hội đã quyết định. Đó là điểm bất lợi trong điều hành.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, đây là thời kỳ rất khó khăn, tác động lớn tới thu nộp NSNN, bởi Chính phủ thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí với số tiền rất lớn, gây sức ép lên cân đối NSNN.
Thời gian tới, Quốc hội sẽ bàn gói hỗ trợ tổng thể phục hồi kinh tế vào đầu năm 2022, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bức tranh tài khóa tiền tệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, nếu bội chi tăng 1% GDP thì tăng tương ứng khoảng 85 nghìn tỷ đồng, GDP tăng 2% tương đương với khoảng 170 nghìn tỷ đồng. Do đó, cần nghiên cứu cân nhắc các tác động đến nợ công, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
Có ý kiến tham luận tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cần chủ động hơn nữa trong thực hiện chính sách tài khóa nhằm ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế; chủ động trong giãn, hoãn các khoản thuế, phí, cũng như trong tăng chi đầu tư công; đồng thời, cần đảm bảo các nguồn lực tài chính cho phòng, chống dịch, không quá phụ thuộc vào nguồn dự phòng ngân sách.
Ở điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, thu NSNN năm 2021 của thành phố hoàn thành dự toán đề ra. Tuy nhiên, số thu đó là nhờ vào kinh tế phục hồi vào cuối năm 2020; thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp từ các năm trước chuyển sang. Kết quả, thu NSNN 6 tháng đầu năm 2021 đạt khá. Tuy nhiên, đến từ tháng 7 – 9/2021, khi dịch bùng phát, số thu NSNN trên địa bàn thành phố giảm và giảm sâu, có giai đoạn thu chỉ bằng 74% so cùng kỳ, có ngày chỉ thu chỉ đạt 10 tỷ đồng (mỗi ngày phải thu 1.500 tỷ đồng mới đảm bảo dự toán).
Năm 2022, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Theo đại diện Sở Tài chính Nghệ An, năm 2021, ngân sách địa phương đã ưu tiên, quan tâm bố trí kinh phí kịp cho ngành Y tế. Năm 2021, kinh phí của sự nghiệp y tế được bố trí là 2.133 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng chi thường xuyên (18.773 tỷ đồng) và chiếm 8,3% tổng chi ngân sách địa phương (25.716 tỷ đồng).
Năm 2021, ngân sách chi cho công tác phòng chống dịch là 418,758 tỷ đồng gấp 2,3 lần năm 2020. Trong đó, chi cho ngành Y tế là 210,719 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 50%). Tỉnh chủ yếu tập trung bố trí cho ngành Y tế kinh phí liên quan đến công tác xét nghiệm, mua sắm trang thiết bị, kinh phí thu dung, điều trị bệnh nhân, chế độ cho các lực lượng y tế tham gia phòng chống dịch…
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài chính Nghệ An, tỉnh Nghệ An là một trong những tỉnh còn phụ thuộc lớn vào ngân sách trung ương. Trong khi đó, tỉnh có số dân đứng thứ 4 của cả nước đặc biệt người dân làm ăn, sinh sống tập trung đông tại các tỉnh thành phía Nam nơi có nguy cơ rất cao về dịch Covid-19 đã di chuyển về địa phương trong đợt dịch thứ 4, khiến cho số lượng ca nhiễm tăng cao trên địa bàn tỉnh gây áp lực cho chi NSNN.
Trung ương tạm cấp cho địa phương là 82.508 triệu đồng (khoảng 11 % so với nhu cầu địa phương). Số kinh phí địa phương trước mắt phải cân đối nguồn lực bố trí phần còn lại là 691.814 triệu đồng. Số kinh phí còn lại địa phương chưa có nguồn lực để đảm bảo là 396.660 triệu đồng.
Về cơ bản, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội và thu – chi NSNN trong năm qua. Thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục rà soát, kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế./.