Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2045
Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Thái Nguyên, gồm 21 phường và 11 xã. Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 222,12km2.
Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Thái Nguyên, gồm 21 phường và 11 xã. Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 222,12km2. Thời gian quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu của việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và dân cư nông thôn theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển thành phố Thái Nguyên với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, khai thác có hiệu quả những tiềm năng phát triển của thành phố...
Trước đó, ngày 14/3, tại Quyết định số 222/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo phê duyệt, Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, với 9 đơn vị hành chính gồm: 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.
Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo Quy hoạch thành phố Thái Nguyên, giai đoạn 2021 – 2030, Thái Nguyên sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; Là vùng đối trọng phía Bắc, phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ y tế, giáo dục, cửa ngõ phía Bắc vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng Bắc Bộ; Là khu vực phòng thủ vững chắc, địa bàn trọng yếu góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh cho cả vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.