Điều chỉnh tổng mức đầu tư cao tốc TP.HCM-Mộc Bài lên 21.500 tỷ đồng
Hội đồng Nhân dân Thành phố thống nhất chủ trương về điều chỉnh quy mô và đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách thành phố tham gia vào dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài.
Sáng 12/7, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài.
Tổng mức đầu tư sơ bộ được điều chỉnh lên hơn 21.500 tỷ đồng.
Hội đồng Nhân dân Thành phố thống nhất chủ trương về điều chỉnh quy mô và đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách thành phố tham gia vào dự án theo đề xuất và giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về sự phù hợp, tính chính xác của các thông tin, số liệu trong hồ sơ về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ triển khai thực hiện dự án khi có nguồn vốn phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch tài chính 5 năm của thành phố.
Theo tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch mặt cắt ngang đáp ứng 6 làn xe, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều dài tuyến khoảng 51,17km (tăng so với trước do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến qua khu vực quốc phòng).
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 21.527 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng 9.885 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư 6.900 tỷ đồng (trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 5.395 tỷ đồng, giảm 506 tỷ đồng so với trước đây; trên địa bàn Tây Ninh là 1.505 tỷ đồng, giảm 27 tỷ đồng); còn lại các chi phí khác.
Phần vốn nhà nước tham gia dự án là 9.827 tỷ đồng, tương đương 46%; phần vốn nhà đầu tư BOT là 11.700 tỷ đồng, tương đương 54% tổng mức đầu tư.
Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng trình Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành phố bố trí thêm 2.900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố tham gia vào hỗ trợ cho công tác xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP để nâng cao tỷ lệ % góp vốn nhà nước trong dự án. Điều này nhằm tăng tính khả thi để thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, số vốn này sẽ được bố trí và giải ngân trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, do đó sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã thông qua.
Như vậy, tổng vốn ngân sách thành phố cần bố trí theo phương án này là 6.927 tỷ đồng (tăng 1.026 tỷ đồng so với phương án trình Hội đồng Nhân dân Thành phố trước đây); trong đó, 4.027 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và 2.900 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030.
Trước đây, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các nghị quyết liên quan đến dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; trong đó, chiều dài tuyến khoảng 50km, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh là 23,7km và qua Tây Ninh là 26,3km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 15.900 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước 31/12/2023; khởi công dự án trước ngày 30/4/2025.
Hoàn thành, thông xe dự án trước 31/12/2027 nhằm đồng bộ với thời điểm dự kiến thông xe tuyến cao tốc Phnom Penh-Bavet do nước bạn Campuchia thực hiện.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22. Đây là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 817/QĐ-TTg bổ sung Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài vào Danh mục Công trình, Dự án Quan trọng Quốc gia, Trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, nêu tại Điều 1 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022./.