Điều còn lại ở làng phong
Nhiều người đến rồi lại đi, những người ở làng phong miền chân sóng Quy Hòa chỉ còn lại nỗi chống chếnh khi đã đi qua gần hết kiếp người, ngày ngày lặng lẽ ngồi nhìn thời gian trôi.
Nỗi niềm chôn giấu
Lặng lẽ, kín đáo, làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) như là một góc khuất nhỏ nơi phố biển Quy Nhơn. Nằm ẩn trong một thung lũng bao quanh là núi và biển, làng phong Quy Hòa một thời như một dấu chấm lặng giữa cung đàn được viết nên với những điệu khúc hút hồn, mê hoặc của thiên nhiên. Và, đây cũng là nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng sinh sống và gắn bó trọn kiếp đớn đau.
Thấp thoáng sau những tán lá xanh là hàng trăm ngôi nhà của bệnh nhân phong được xây dựng cách đây non một thế kỷ. Trong làng có khu vườn tượng gồm 40 bức tượng bán thân của các danh y Đông - Tây, đặt xoay vào nhau theo một con đường nhỏ, dưới rặng phi lao. Qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, chân dung các danh y được khắc họa một cách sống động. Từng gương mặt đều toát lên vẻ đăm chiêu, suy nghĩ, chung một niềm trăn trở về việc cứu con người thoát khỏi bệnh tật.
Nhưng, nỗi ám ảnh có lẽ là những ánh mắt của hàng chục người cao tuổi còn lại từ khi làng phong này bị xóa tên. Tôi đã đến rất nhiều trung tâm nuôi dưỡng người già, nhưng ở làng phong này, có một điều gì đó cứ khắc khoải mãi không gọi thành tên. Dưới chân cầu thang hút gió, một nhóm các cụ đang đánh cờ. Họ vồn vã trò chuyện khi có người lạ đến. Theo thống kê, có hơn 100 người từng là bệnh nhân có tuổi đời từ 60 đến 90.
Bà Lê Thị Thạnh nay đã hơn 94 tuổi, có tới gần 69 năm gắn bó với làng phong Quy Hòa này. Chừng ấy thời gian, bà đã chứng kiến biết bao thăng trầm của những phận người cùng cái làng phong nhỏ bé suốt một thời gian dài bị người đời ghẻ lạnh.
Cụ Võ Khoán, 84 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, vào Quy Hòa từ năm 16 tuổi. Tuy tai hơi nghễnh ngãng nhưng cụ rất hay chuyện, kể lan man những chuyện từ thời xửa thời xưa cho tôi nghe.
Tôi bắt gặp ở đây những hình ảnh các cụ già cứ ngồi ngoài hiên trước cửa phòng, bó tay lên gối, cứ ngồi thế mà đưa mắt nhìn ra xa xăm, nhìn như thể không nhìn. Những cuộc thăm hỏi của các đoàn công tác xã hội, họ trao tặng quà rồi lại đi. Còn ở lại nơi đây là những con người đã đi gần hết đời người, sống buồn bã, đợi ngày tháng trôi qua.
Trong những căn phòng ở tập thể, với điều kiện tốt nhất có thể, họ nương tựa vào nhau đợi ngày cuối cùng của cuộc đời. Có những người cứ ngồi trên ghế đá, không nói chuyện với ai. Họ ngồi với nhiều tư thế, lẳng lặng nhìn ngày dần trôi. Vài cụ già khác thong dong cầm chổi quét rác, quét những chiếc lá vàng rụng rơi từ đêm hôm trước. Họ quét không vội vã, như thể sợ hết lá thì họ sẽ không biết làm gì nữa...
Trong ký ức của những bệnh nhân phong một thời nơi đây, làng phong ngày ấy cũng có đến vài ba trăm bệnh nhân. Cuộc sống khốn khó và thiếu thốn đủ bề, họ không trở về cố hương mà quyết định định cư tại đây, coi Quy Hòa như quê hương thứ hai của mình. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, họ chôn chặt trong lòng để đối mặt với cuộc sống bệnh tật. Họ đến với nhau, đùm bọc, chở che nhau tạo nên một mái ấm gia đình của những người mắc một trong “tứ chứng nan y” theo quan niệm xưa. Đã có những đứa trẻ được sinh ra từ làng phong, chỉ một số ít mắc bệnh giống cha mẹ nhưng được chữa trị ngay, còn đa số vẫn sống một cuộc sống bình thường của người bình thường.
Khi vết thương đã lành…
Quy Hòa, vùng đất từng bị ám ảnh bởi những nỗi đau, những số phận khốn cùng, bây giờ đã đổi thay phần nào. Trong một góc khuất gần bờ biển, một bà lão bán hàng rong mời tôi mua cụm san hô, ốc biển. Nhìn cụ già với bàn chân đã cụt hết ngón, bán mấy thứ đồ lưu niệm giản dị để kiếm sống, tôi cảm nhận được sự nỗ lực sống của những người ở làng phong Quy Hòa thật mạnh mẽ biết nhường nào.
Đã qua rồi những chuỗi ngày đau đớn bi thương thuở nào, bây giờ, họ dường như không còn cảm nhận được những vết thương từng ngày từng giờ gặm nhấm thân thể nữa, họ đang có một sức sống mới và mơ ước về một tương lai tươi sáng hơn.
Hiện cả làng phong có gần 350 hộ gia đình với hơn 1.100 nhân khẩu. Trong số hơn 1.100 nhân khẩu của làng phong hôm nay vẫn còn 488 người sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp xã hội 120.000-145.000 đồng/người/tháng. Nhiều bệnh nhân ở đây làm đủ nghề mưu sinh: lấy củi, đánh bắt tôm hùm giống, chở xe ôm, bán hàng rong...
Ngày nay, Ghềnh Ráng - Quy Hòa đã trở thành điểm du lịch, nhiều người đến hơn. Người của làng phong giờ đây cũng đã hòa nhập xã hội tốt hơn, cũng buôn bán, lao động trong khả năng có thể để bảo đảm cuộc sống của mình. Bãi biển Quy Hòa xanh ngắt, lấp lánh nắng. Cuộc sống ngày càng nhộn nhịp ngoài kia, những nhóm bạn trẻ tổ chức team building với tiếng hát ca rộn rã, những em bé chạy nhảy, nô đùa, những cặp đôi chụp ảnh cưới, những bạn trẻ thi nhau chụp ảnh đưa lên Facebook...
Sức sống mới có lẽ đang hồi sinh trên mảnh đất một thời ám ảnh bi thương này?
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dieu-con-lai-o-lang-phong-573024.html