Điều đặc biệt về 4 bảo vật quốc gia trong bảo tàng quân sự lớn nhất Việt Nam

Trong hơn 2.000 hiện vật sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới, có 4 bảo vật quốc gia gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc.

Video: 4 bảo vật quốc gia trong bảo tàng quân sự lớn nhất Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang được đầu tư xây mới với quy mô lớn và hiện đại tại phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là một trong 6 bảo tàng quốc gia và đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong Quân đội.

Hiện nay, bảo tàng cơ bản hoàn thành các hạng mục công việc giai đoạn 1, dự kiến đón khách tham quan từ đầu tháng 7/2024.

Thượng tá Lê Vũ Huy (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho biết, bảo tàng đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật. Trong đó có 4 hiện vật được xếp vào danh sách 256 bảo vật quốc gia - gắn với các nhân vật, sự kiện đã làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chống Mỹ của dân tộc.

Theo Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học… Để được công nhận là bảo vật quốc gia, các hiện vật lịch sử phải trải qua đánh giá thẩm định nghiêm ngặt.

Thượng tá Lê Vũ Huy chia sẻ, mỗi hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đều gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc nhưng chỉ số ít trong đó được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: hai tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324 và 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cả 4 bảo vật quốc gia trên đều là hiện vật quý tại bảo tàng và sẽ được giới thiệu tại các sảnh trung tâm cũng như khu vực trưng bày chuyên đề về kháng chiến chống Mỹ.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, tiêm kích MiG-21 hay xe tăng T-54B dù là khí tài quân sự cỡ lớn nhưng đều được trưng bày trong nhà nhằm hạn chế hư hại do thời tiết. Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, các bảo vật này trở thành điểm nhấn của khu trưng bày trong nhà.

Sảnh trung tâm sẽ là khu vực trưng bày chiếc tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324. Đây là chiếc máy bay chiến đấu có nhiều sao nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam - 14 sao trên mũi là biểu tượng cho 14 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam.

Theo hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tiêm kích 4324 đã lập công lớn góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bằng việc dùng không quân và hải quân để đánh phá miền Bắc lần thứ nhất giai đoạn 1965 - 1968.

Trong cuộc chiến này, không quân ta đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, thuộc 19 chủng loại gồm cả pháo đài bay B-52, trong đó có chiến công của chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324.

Chỉ trong năm 1967, 9 phi công thuộc Trung đoàn không quân số 921 thay nhau trực chiến, lần lượt lái chiếc 4324 không chiến, bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại. Các phi công 2 lần bắn rơi máy bay Mỹ gồm phi công Lê Trọng Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đăng Kính.

Xác suất tiêu diệt mục tiêu của 4324 được đánh giá tốt nhất trong những phi đội MiG-21 của Việt Nam khi đó. Tính đến năm 1967, chiếc 4324 đã đối đầu địch 22 lần, xạ kích 16 lần và tiêu diệt tới 14 máy bay Mỹ.

Được đặt gần máy bay 4324 bên trong khu chuyên đề kháng chiến chống Mỹ là bảo vật quốc gia MiG-21 mang số hiệu 5121. Đây là chiếc MiG-21 của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Tuân điều khiển bắn rơi máy bay ném bom B-52 của không quân Mỹ vào đêm 27/12/1972.

Với sự dẫn đường của sở chỉ huy mặt đất, Anh hùng Phạm Tuân đã phát hiện 2 chiếc B-52 và một tốp F-4 hộ tống sau khi được lệnh xuất kích. Khi còn cách mục tiêu khoảng 2-3km, ông bình tĩnh kiểm tra đường ngắm và bắn liền 2 quả tên lửa K13. Khi nhìn thấy một quầng lửa đỏ rực rơi xuống, phi công Phạm Tuân tắt tăng lực bật ngửa máy bay vòng trái xuống độ cao 2.000m và hạ cánh an toàn.

Trận đánh đêm 27/12/1972 là lần đầu tiên không quân Việt Nam bắn rơi B-52, “pháo đài bay” được coi là bất khả xâm phạm của không quân Mỹ, góp phần đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Chiếc MiG-21 mang số hiệu 5121 được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012. Điều khiển chiếc máy bay này, ngoài Anh hùng Phạm Tuân còn có phi công Đinh Tôn và Vũ Đình Rạng.

Theo chia sẻ của Thượng tá Phạm Vũ Sơn, Trưởng phòng Sưu tầm - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, quá trình sưu tập hai chiếc tiêm kích MiG-21 bảo vật quốc gia được bảo tàng thực hiện từ nhiều năm trước. Trong đó, MiG-21 số hiệu 4324 được Trung đoàn không quân 921 bàn giao vào năm 1974, còn MiG-21 5121 được phát hiện và sưu tập vào năm 2007 từ Trung đoàn không quân 490 – Trường Sĩ quan không quân.

Bảo vật quốc gia thứ 3 của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là xe tăng huyền thoại T-54B mang số hiệu 843. Dù trải qua nhiều chiến trận và hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân đội sau năm 1975, xe tăng 843 còn hoạt động được cho đến tận ngày nay.

Đây cũng là một trong số ít hiện vật vẫn hoạt động của bảo tàng. Trong quá trình di dời hiện vật, 843 có thể tự di chuyển từ nơi trưng bày lên xe chuyên dụng, sau đó được chuyển đến Tây Mỗ.

Theo hồ sơ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, xe tăng 843 được chuyển từ miền Nam ra Hà Nội trưng bày nhân kỷ niệm 35 thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (tháng 12/1979). Sau đó, chiếc xe tăng này được giữ lại và chuyển giao cho bảo tàng.

Đến năm 2012, xe tăng 843 chính thức được công nhận bảo vật quốc gia bởi những chiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Về chiến công của xe tăng 843, chiếc T54B này thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”.

Ngày 30/4/1975, xe tăng 843 dẫn đầu đội hình vào Sài Gòn, trên đường đến Dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và xe bọc thép của địch.

Khoảng 11h, xe tăng 843 húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, nhảy ra khỏi xe và chạy lên cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng 843 luôn dẫn đầu đội hình binh đoàn, phá vỡ các tuyến ngăn chặn của địch, góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kíp xe tăng T54B mang số hiệu 843 khi đó gồm: Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 kiêm trưởng xe; Hạ sĩ Lữ Văn Hỏa, lái xe; Trung sĩ Thái Bá Minh, pháo thủ số 1 và Hạ sĩ Nguyễn Văn Kỷ, pháo thủ số 2.

Bảo vật quốc gia thứ 4 của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được sử dụng từ ngày 15/4/1975 đến 21/4/1975, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Tà Thiết, Lộc Ninh, Tây Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước).

Tấm bản đồ được hoàn thiện sau nhiều lần chỉnh lý, bổ sung, xin ý kiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về kế hoạch tác chiến của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 22/4/1975, Bộ chỉ huy Chiến dịch duyệt lần cuối cùng kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch và đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy Chiến dịch, cùng ký lên bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bản đồ hình chữ nhật, can 12 mảnh, có chữ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”, được các cán bộ Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cùng các cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu thể hiện trên bản đồ miền Nam Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Chiến dịch; Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Chiến dịch và các đồng chí Phó tư lệnh Chiến dịch.

Tấm bản đồ này được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975 đến năm 1990, sau đó trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vào ngày 14/1/2015.

Chia sẻ thêm về kế hoạch vận chuyển, trưng bày hiện vật chiến tranh tại cơ sở mới, Thượng tá Lê Vũ Huy cho biết, các đơn vị chức năng cũng liên danh nhà thầu đang tổ chức thi công, trưng bày các hạng mục trong nhà cũng như ngoài trời với nỗ lực cao nhất để đón khách tham quan trong năm 2024.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nêu rõ mục tiêu sẽ khánh thành công trình trước dịp 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng như ngày truyền thống của Tổng Cục chính trị vào cuối năm 2024.

Với quy mô diện tích gần 39ha, bên cạnh phần trưng bày 6 chủ đề về tiến trình lịch sử được xem là “xương sống của bảo tàng” như tại cơ sở cũ, Thượng tá Huy cho biết, đơn vị sẽ trưng bày thêm 8 chuyên đề, 7 bộ sưu tập và 12 chuyên ngành quân sự ở khu vực trong nhà.

Với mục tiêu làm nổi bật nghệ thuật quân sự qua các thời kỳ lịch sử, nhưng theo Thượng tá Lê Vũ Huy, bảo tàng sẽ tập trung giới thiệu vào cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ - hai cuộc kháng chiến trường kỳ gắn với rất nhiều thành tích, chiến công, nhân vật lịch sử cũng như khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dieu-dac-biet-ve-4-bao-vat-quoc-gia-trong-bao-tang-quan-su-lon-nhat-viet-nam-ar857429.html