Điều dưỡng BV Bệnh Nhiệt đới TƯ: 'Tôi không dám uống nước suốt 8 giờ'

Đó là chia sẻ từ trong tâm dịch của điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).

"Nhìn đồng nghiệp có con nhỏ gọi điện về nhà, các bé cứ hỏi mẹ ơi bao giờ mẹ về, tôi cũng ứa nước mắt theo", nữ điều dưỡng 41 tuổi kể.

Sau khi phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên chiều 5/5, đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận tổng cộng 90 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, liên quan nhiều tỉnh, thành phố. Cùng ngày, bệnh viện này đã thực hiện cách ly y tế toàn bộ cơ sở 2.

Tương tự những nhân viên y tế khác, điều dưỡng Hạnh cách ly tại bệnh viện từ thời điểm đó.

Lo lắng ai là người tiếp theo nhiễm virus

Nữ điều dưỡng chia sẻ: "Khi vào khu vực chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi đương nhiên phải mặc quần áo bảo hộ cũng như đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch cơ bản. Thông thường, chúng tôi có thể tạm yên tâm khi vào khu vực bệnh nhân dương tính với nCoV. Tuy nhiên, tình hình lúc này đã thay đổi".

Không chỉ các bệnh nhân, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung thời gian qua đã ghi nhận một số nhân viên y tế cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

 Một nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Ảnh: Phạm Thắng.

Một nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Ảnh: Phạm Thắng.

"Giờ đây khi ra khỏi phòng bệnh, tôi cũng như các điều dưỡng, bác sĩ trong bệnh viện không thể biết chắc ai đang mang virus trong cơ thể. Chúng tôi gặp nhau phải đứng ở khoảng cách rất xa, không dám nói chuyện, chỉ đưa mắt cười chào hỏi vì sợ lây nhiễm. Nỗi buồn và lo lắng xen lẫn liên tục", điều dưỡng này nói.

Trước tâm lý của các cán bộ, nhân viên y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cách 3 ngày/lần. Việc làm này nhằm đảm bảo sức khỏe của các nhân viên y tế, đồng thời theo sát sự lây lan virus trong bệnh viện.

"Mỗi lần xét nghiệm như vậy, chúng tôi hồi hộp lắm. Không biết mình có phải là người tiếp theo dương tính với virus hay không", điều dưỡng Hạnh bày tỏ.

Bên cạnh nỗi lo về bản thân, gia đình cũng là mối bận tâm lớn luôn hiện hữu trong tâm trí các nhân viên y tế của bệnh viện. Với điều dưỡng Hạnh, chồng bà làm việc trong lĩnh vực cầu đường cũng đang phải cách ly tại Hà Tĩnh, để lại 2 con ở nhà tự chăm lo lẫn nhau.

 Lực lượng quân đội phun khử khuẩn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Linh.

Lực lượng quân đội phun khử khuẩn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Linh.

"Đứa bé nhà tôi năm nay lên 3, con gái lớn đang học lớp 12. Giờ cả bố và mẹ phải cách ly, con gái lớn phải vừa làm chị, vừa làm mẹ, quán xuyến tất cả công việc trong nhà để lo cho em. Bạn năm nay còn chuẩn bị thi đại học nhưng phải chịu thiệt thòi, không được bố mẹ định hướng, hướng dẫn việc đăng ký, chọn trường...", nữ điều dưỡng tâm sự.

Theo điều dưỡng này, nhiều nhân viên y tế trong bệnh viện cũng có con nhỏ. Một số người thậm chí mới sinh bé được 6 tháng đã phải vào bệnh viện cách ly. Đứa bé ở nhà khát sữa mẹ, mẹ cách ly lại phải vắt sữa bỏ đi.

Luôn sẵn sàng khi công việc yêu cầu

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng 25-30 bệnh nhân. Đây đều là các bệnh nhân có tình trạng nặng và đòi hỏi sự theo dõi sát sao của nhân viên y tế.

Do đó, dù các điều dưỡng được phân công làm việc theo ca, mỗi ca 3 người, kéo dài trong vòng 8 tiếng, những người còn lại vẫn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ.

"Ngay trong hôm nay, một trường hợp có bệnh nền rất nặng dù đã có kết quả âm tính lần 1 với nCoV yêu cầu chúng tôi làm việc hết công suất với sự phối hợp của nhiều người. Do số lượng bệnh nhân lớn, nếu nhóm bên trong cần hỗ trợ, chúng tôi vẫn có thể mặc quần áo bảo hộ để cùng ứng phó. Ngoài ra, các điều dưỡng cũng phải luôn quan sát đồng nghiệp thiếu gì, cần giúp gì để hỗ trợ kịp thời", điều dưỡng khoa Cấp cứu chia sẻ.

Bên cạnh khối lượng công việc lớn, đặc thù của dịch bệnh Covid-19 khiến các nhân viên y tế luôn phải đảm bảo các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm. Điều này cũng gây ra những trở ngại không nhỏ cho các điều dưỡng, bác sĩ.

 Điều dưỡng Hạnh ướt đẫm mồ hôi sau khi kết thúc ca trực. Ảnh: BVCC.

Điều dưỡng Hạnh ướt đẫm mồ hôi sau khi kết thúc ca trực. Ảnh: BVCC.

"Thời tiết Hà Nội đang dần nắng nóng hơn. Việc mặc quần áo bảo hộ khiến công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Sau khoảng 2-3 giờ làm việc, thiếu oxy dẫn đến cảm giác khó thở, chúng tôi lại phải ra ngoài, thay đồ và nghỉ ngơi vài phút trước khi mặc một bộ khác để tiếp tục công việc", điều dưỡng Hạnh nói.

Ngoài ra, trong suốt 8 giờ làm việc, các nhân viên y tế thường cố gắng không ăn, uống để tránh những bất tiện khi phải đi vệ sinh. Tuy nhiên, việc đổ mồ hôi trong lúc làm việc lại dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất điện giải.

Điều dưỡng Hạnh cho hay chỉ khi kết thúc ca trực, mọi người mới được ra ngoài khử khuẩn, tắm rửa và trở về phòng của mình ăn uống, nghỉ ngơi.

"Lúc này, chúng tôi chỉ mong người dân ý thức phòng dịch thật tốt. Mọi người đảm bảo nguyên tắc phòng dịch tốt, hạn chế sự lây lan của virus, chúng tôi sẽ càng đỡ vất vả", điều dưỡng này nhắn nhủ.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-duong-bv-benh-nhiet-doi-tu-toi-khong-dam-uong-nuoc-suot-8-gio-post1214134.html