Điều gì đang xảy ra với Fukushima 12 năm sau vụ rò rỉ phóng xạ?

Mười hai năm sau sự cố tan chảy ba lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản đang chuẩn bị xả một lượng lớn nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển.

Trong chuyến thăm của hãng tin AP, các nhà báo đã nhìn thấy 30 bể chứa khổng lồ để lấy mẫu và phân tích nước để kiểm tra độ an toàn. Một cơ sở để pha loãng nước sau khi được xử lý và thử nghiệm đang trong giai đoạn xây dựng cuối cùng. Từ đó, nước sẽ được giải phóng qua một đường hầm dưới biển.

 Điều gì đang xảy ra tại nhà máy Fukushima 12 năm sau cuộc khủng hoảng?. Ảnh: AP

Điều gì đang xảy ra tại nhà máy Fukushima 12 năm sau cuộc khủng hoảng?. Ảnh: AP

Nhà điều hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo Holdings (TEPCO), đặt mục tiêu hoàn thành các cơ sở vào mùa xuân. TEPCO cần sự chấp thuận an toàn từ Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để đảm bảo dự án đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và đưa ra một báo cáo trước khi việc xả thải bắt đầu.

Điều gì đã xảy ra?

Một trận động đất mạnh 9,0 độ richter vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 đã gây ra một cơn sóng thần lớn phá hủy hệ thống cung cấp điện và làm mát của nhà máy, khiến nước từ các lò phản ứng số 1, 2 và 3 tan chảy và thải ra một lượng lớn phóng xạ. Nước được sử dụng để làm mát lõi của các lò phản ứng bị rò rỉ vào các tầng hầm của các tòa nhà chứa lò phản ứng và trộn lẫn với nước mưa và nước ngầm.

130 tấn nước bị ô nhiễm đã được thu gom, xử lý và sau đó được lưu trữ trong các bể chứa, hiện có khoảng 1.000 bể chứa và bao phủ phần lớn diện tích của nhà máy. Khoảng 70% “nước được xử lý bằng ALPS”, được đặt tên theo máy dùng để lọc nước, vẫn chứa Caesium và các hạt nhân phóng xạ khác vượt quá giới hạn cho phép.

TEPCO cho biết lượng phóng xạ có thể giảm xuống mức an toàn và họ sẽ đảm bảo rằng nước không được lọc đủ sẽ được xử lý cho đến khi đáp ứng giới hạn cho phép. Các quan chức cho biết không thể loại bỏ tritium khỏi nước nhưng vô hại với một lượng nhỏ. TEPCO cho biết việc xả nước sẽ diễn ra từ từ và nồng độ tritium sẽ không vượt quá mức trước tai nạn của nhà máy.

Fukushima Daiichi đã phải vật lộn để xử lý nước bị ô nhiễm kể từ thảm họa năm 2011. Chính phủ Nhật Bản và TEPCO nói rằng các bể chứa phải nhường chỗ cho các cơ sở ngừng hoạt động của nhà máy, chẳng hạn như không gian lưu trữ các mảnh vụn nhiên liệu tan chảy và chất thải bị ô nhiễm cao khác. Các bể chứa đã đầy 96% và dự kiến đạt công suất 1,37 triệu tấn vào mùa thu.

Họ cũng muốn quá trình xả nước được xử lý, kiểm soát để tránh nguy cơ nước bị ô nhiễm rò rỉ trong trường hợp xảy ra một trận động đất hoặc sóng thần lớn khác. Nó sẽ được gửi qua một đường ống từ các bể lấy mẫu đến một bể ven biển để được pha loãng với nước biển và thải qua một đường hầm dưới biển đến một điểm cách bờ biển 1 km.

Mối quan tâm về an toàn là gì?

Các cộng đồng ngư dân địa phương cho biết công việc kinh doanh và sinh kế của họ sẽ còn chịu nhiều thiệt hại hơn nữa. Các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương đã nêu lên những lo ngại về an toàn.

Katsumasa Okawa, chủ một cửa hàng hải sản ở Iwaki, phía Nam nhà máy, cho biết: “Tốt nhất là không xả nước, nhưng có vẻ như điều đó là không thể tránh khỏi". Chính phủ Nhật Bản cũng đã dành 80 tỷ yên (580 triệu đô la) để hỗ trợ nghề cá ở Fukushima và giải quyết “thiệt hại về danh tiếng” do vụ rò rỉ.

TEPCO đã tìm cách trấn an mọi người bằng cách nuôi hàng trăm con cá bơn và bào ngư thành hai nhóm - một nhóm trong nước biển thông thường và một nhóm khác trong nước đã qua xử lý pha loãng. Tomohiko Mayuzumi từ TEPCO cho biết, thử nghiệm này là “để mọi người xác nhận bằng mắt thường rằng nước đã qua xử lý mà chúng tôi cho là an toàn khi xả ra sẽ không ảnh hưởng xấu đến các sinh vật".

Mức độ phóng xạ trong cá bơn và bào ngư tăng lên khi chúng ở trong nước được xử lý nhưng giảm xuống mức bình thường trong vài ngày sau khi chúng được đưa trở lại nước biển thông thường. Noboru Ishizawa, một quan chức TEPCO giám sát cuộc thử nghiệm cho biết, dữ liệu đó hỗ trợ cho thấy tác động tối thiểu đối với sinh vật biển từ tritium.

 Cá bơn được nuôi trong bể cá chứa nước thải phóng xạ đã qua xử lý pha loãng tại phòng thí nghiệm ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: AP

Cá bơn được nuôi trong bể cá chứa nước thải phóng xạ đã qua xử lý pha loãng tại phòng thí nghiệm ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: AP

Các quan chức nói rằng tác động đối với con người, môi trường và sinh vật biển sẽ ở mức tối thiểu và sẽ được theo dõi trước, trong và sau khi xả và sẽ tiếp tục trong suốt quá trình 30-40 năm. Các mô phỏng cho thấy không có sự gia tăng phóng xạ nào ngoài 3 km tính từ bờ biển.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết tác động sức khỏe từ việc tiêu thụ tritium và các đồng vị phóng xạ khác thông qua chuỗi thức ăn có thể tồi tệ hơn so với việc uống nó trong nước và cần có thêm các nghiên cứu.

TEPCO cho biết các mẫu nước được chia sẻ với IAEA và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản do chính phủ tài trợ, nhưng các chuyên gia muốn xem kiểm tra chéo độc lập.

Chuyên gia phóng xạ Katsumi Shozugawa của Đại học Tokyo cho biết phân tích của ông về nước ngầm ở nhiều địa điểm trong khu vực cấm gần nhà máy đã chỉ ra rằng tritium và các nguyên tố phóng xạ khác đã rò rỉ vào nước ngầm.

Theo ông, nếu nước có hàm lượng phóng xạ cao thoát ra và phát tán ra biển thì không thể lần ra dấu vết, đây là mối lo ngại không chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với các quốc gia ở Thái Bình Dương. Cần có một nỗ lực liên tục, dựa trên cơ sở khoa học để cho các quốc gia khác thấy rằng nó được xử lý triệt để.

Mai Anh (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-fukushima-12-nam-sau-vu-ro-ri-phong-xa-post238784.html