Điều gì đang xảy ra với vàng?
Giá vàng đã và đang biến động rất mạnh, tăng vượt đỉnh rồi lại lao dốc rất nhanh. Những diễn biến trên thị trường vàng cho thấy công tác quản lý vàng còn nhiều bất cập.
Giá vàng trồi sụt từng giờ
Sau khi lập đỉnh 92,4 triệu đồng/ lượng vào chiều ngày 10/5, vàng thương hiệu SJC lại đột ngột giảm hơn 3 triệu đồng lúc mở cửa phiên sáng 13/5. Ngày 13/5, giá vàng SJC tuột khỏi mốc 92,4 triệu đồng, quay lại mốc 85,50 – 88,50 triệu đồng/lượng. Thế nhưng đến trưa 13/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lại điều chỉnh biểu giá vàng, nâng lên mức 88 - 90,4 triệu đồng/lượng, tăng gần 2 triệu đồng so với giá mở cửa sáng. Tính ra giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới 17 triệu đồng /lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng SJC đang “chạy” xung quanh thông điệp của Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng...
Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn và nữ trang tại các đơn vị kinh doanh vẫn đi ngang và “neo” quanh mức 76,5 triệu đồng, theo diễn biến của kim loại quý trên thị trường quốc tế.
Giá vàng miếng SJC lâu nay vẫn biến động khó lường và bỏ xa giá vàng thế giới. Giới chuyên gia lý giải, điều này phụ thuộc vào yếu tố cung, cầu trong nước. Phía cung phụ thuộc vào việc NHNN tăng cung ra thị trường bao nhiêu, trong khi đó 11 năm nay NHNN không hề tăng cung. Mãi đến ngày 23/4 vừa qua một lượng nhỏ vàng được đưa ra thị trường nhờ đấu thầu. Phía cầu thì vẫn tăng theo thời gian. Bởi vậy, giá vàng chỉ có leo lên chứ không hề đi xuống.
Ông Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, có 3 lý do chính khiến giá vàng trong nước “phi mã”. Một là, giá vàng tăng do nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, cùng với những bất ổn kinh tế thế giới. Thứ hai, trong vòng 2 năm qua, Việt Nam không có cung vàng miếng ở thị trường nội địa trong khi nhu cầu thì vẫn gia tăng. Thứ 3 là do kênh bất động sản suy thoái, cộng với năm 2023 lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, dẫn đến dòng tiền đầu tư chuyển sang vàng. Các tác động này làm cho giá vàng tăng mạnh và bỏ xa giá vàng thế giới. Ngoài ra, giá vàng tăng còn do yếu tố tâm lý tác động, do nền kinh tế đang khó khăn, nên người dân xem vàng là kênh trú ẩn an toàn.
Đừng để dòng tiền chôn chặt ở vàng
Giá vàng nóng, thị trường vàng sốt hầm hập. Không chỉ người dân xếp hàng chờ đợi giao dịch mà giá vàng còn làm xôn xao cả nghị trường. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 13/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ quan điểm: “Không lẽ cứ để giá vàng nhảy múa thế? Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng, giảm đột biến như thế. Tôi đề nghị công tác quản lý phải rõ".
Phần lớn các chuyên gia đều chung quan điểm biến động giá vàng cần phải được xem xét, cần làm rõ ai đang thao túng giá vàng. Cơ quan quản lý là NHNN cần phải trả lời câu hỏi tại sao lại có hiện tượng chênh lệch giá vàng với SJC và vàng quốc tế từ 15 - 20 triệu đồng/lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng… Chưa kể, nguồn cung vàng miếng SJC thời gian qua được NHNN bung ra hạn chế, song mọi nhu cầu mua bán vàng SJC của người dân đều được đáp ứng như vậy có nghĩa là nguồn cung không hề hiếm. Khi chênh lệch giá vàng tăng càng cao, thì DN cũng kéo giãn khoảng cách mua - bán lên cao tới vài triệu đồng mỗi lượng. Tiền chênh lệch này không vào túi DN thì vào túi ai?
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, nguy hiểm nhất giá vàng tăng kích hoạt tâm lý đổ tiền vào vàng, dòng tiền cần phải được đưa ra để sản xuất kinh doanh chứ không nên chôn chặt ở vàng.
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách, Tài chính tiền tệ quốc gia kiến nghị, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, DN vàng được xuất nhập khẩu vàng, nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ liên thông.
Ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tuần này sẽ có 2 phiên đấu thầu, tăng 1 phiên so với trước để thêm nguồn cung ra thị trường. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó sẽ sửa Nghị định 24.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-vang-10279740.html