Mối đe dọa sắp xảy ra mà hàng không dân dụng Nga phải đối mặt đó là tình trạng cạn kiệt nguồn máy bay nhập khẩu do hết hạn sử dụng, hoặc không có phụ tùng thay thế.
Cuộc khủng hoảng hàng không tiềm tàng này đặt gánh nặng lên vai ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Nga, tuy nhiên họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất phi cơ nội địa.
Tình huống này đặt ra câu hỏi: chương trình có thất bại không? Máy bay nội địa được quảng cáo rầm rộ gồm Superjet NEW và MS-21 vẫn chưa thành hiện thực ngoài bản vẽ.
Trong khi đó, các nhà máy của Nga dường như không có khả năng sản xuất ngay cả chiếc Tu-214 của Liên Xô - mẫu máy bay cất cánh lần đầu tiên vào ngày 2/1/1989.
Bất chấp kế hoạch giao 3 chiếc Tu-214 cho khách hàng vào năm 2023, nhưng dự định trên không thể thực hiện được. Những người mua tiềm năng vẫn chưa rõ ràng, nhưng đó là một chi tiết không đáng kể.
Các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hãng hàng không Aeroflot với Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) chỉ ra mối quan hệ đối tác đầy hứa hẹn nhưng vẫn chưa đi tới đích.
Áp lực của những bản kế hoạch bị đình trệ này dường như đang làm cản trở tiến trình hướng tới Superjet và MS-21 "mới", khi chiếc MS-21 vẫn chưa có động cơ, mặc dù đã lên kế hoạch sơ bộ để sản xuất một số động cơ PD-14 vào năm 2023.
Trước những trở ngại này, chính quyền Nga khẳng định kế hoạch đầy tham vọng là sản xuất 600 máy bay vào năm 2030, đi kèm nguồn hỗ trợ tài chính khổng lồ lên tới 280 tỷ rúp, nhằm mục đích hồi sinh những chiếc Il-96−300 và Tu-214, cùng với Il-114 thời Liên Xô.
Như ông Viktor Gorbachev - Tổng Giám đốc Hiệp hội Hàng không Dân dụng Nga đã chỉ ra: “Với các máy bay hiện tại của chúng tôi - Boeing và Airbus, thời hạn hoạt động còn lại chỉ còn 7 - 8 năm".
"SuperjetNEW và MS-21 có thể thử nghiệm thêm 1 năm nữa trước khi được chứng nhận, có hơn 100 nhà thầu phụ, và tất cả điều này đòi hỏi năng lực sản xuất và con người bổ sung”.
Tình trạng khó khăn nhấn mạnh rằng chỉ ném tiền vào vấn đề sẽ không mang lại hiệu quả. Liệu 280 tỷ rúp dành cho các nhà máy hàng không có chuyển thành máy bay thực tế không?
Việc“thay thế nhập khẩu” bắt đầu 10 năm trước vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Có vẻ như “Chiến lược 2020” và các dự án tương tự vẫn chỉ dừng lại ở đó - trên bản vẽ. Mặc dù vậy, Moskva vẫn lạc quan.
Người đứng đầu Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostech - ông Sergey Chemezov tuyên bố: “Đến năm 2030, hơn 500 máy bay các loại sẽ được sản xuất cho mỗi chương trình".
"Danh sách bao gồm 270 máy bay MS-21, 142 chiếc Superjet-100 và 115 phi cơ Tu-214”.
Bất chấp những con số kỳ vọng nói trên, một sự thật đáng kinh ngạc vẫn xuất hiện - nếu không có phụ tùng nhập khẩu, ngay cả chiếc xe du lịch đơn giản nhất cũng không thể lắp ráp được.
Việc xây dựng từ đầu một hệ thống điện tử hàng không của riêng Nga là một giấc mơ xa vời trong điều kiện hiện nay, khi phải hứng chịu các lệnh cấm vận nặng nề, dẫn tới thiếu hụt linh kiện cần thiết.
Ngày nay, Nga đang gặp khó khăn trong việc tạo ra các bộ phận cho cả những chiếc máy bay từ thời Liên Xô. Có vẻ như kiến thức và kỹ năng đã "bốc hơi", khiến những "chú chim" huy hoàng một thời này phải nằm đất.
Bất chấp sự thiếu hụt nghiêm trọng máy bay dân dụng trong tương lai gần, dường như không có nỗ lực nào được thực hiện thành công.
Trở lại năm 2014, Tổng thống Putin đã cảnh báo ngành hàng không sẽ suy tàn sau 10 năm nữa. Hiện nay nước Nga đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng hàng không thực sự. Cảnh báo thứ hai được đưa ra vào mùa xuân năm 2022 nhưng cũng bị bỏ qua.
Tóm lại, trong trường hợp tốt nhất, Nga có thể sản xuất một số ít máy bay với khoản đầu tư đầy tham vọng 280 tỷ rúp.
Thực tế rõ ràng cho thấy ngành hàng không Nga đang gặp phải tình trạng vô cùng khó khăn.