Điều gì khiến Apple phải cảnh báo người dùng iPhone ở 100 quốc gia?
Hàng loạt người dùng iPhone tại 100 quốc gia vừa nhận được cảnh báo khẩn từ Apple về việc thiết bị của họ có thể đã bị xâm nhập bằng phần mềm gián điệp tinh vi.
Apple phát đi cảnh báo an ninh quy mô toàn cầu
Trong thông báo gửi qua iMessage, email và tài khoản Apple ID, Apple cho biết những người nhận được cảnh báo là mục tiêu của các cuộc tấn công phần mềm gián điệp, nhiều khả năng liên quan đến Pegasus, công cụ tấn công nổi tiếng do công ty NSO Group (Israel) phát triển.
Những cuộc tấn công này không nhắm vào đại chúng, mà tập trung vào từng cá nhân cụ thể, thường là nhà báo, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền và các nhân vật chính trị.
Một trong những người nhận cảnh báo, nhà hoạt động người Hà Lan Eva Vlaardingerbroek đã chia sẻ gần như toàn bộ nội dung tin nhắn, trong đó nêu rõ: "Apple tin rằng bạn đang bị nhắm tới bởi một cuộc tấn công gián điệp, với mục tiêu xâm nhập từ xa vào iPhone. Đây là cuộc tấn công nhắm đích hiếm gặp, cực kỳ tinh vi và tốn kém."

Apple gửi cảnh báo khẩn đến nhiều người dùng iPhone.
Cảnh báo về kiểu tấn công không cần tương tác
Apple cho biết các cuộc tấn công dạng này có thể không cần người dùng nhấp vào liên kết hoặc tải về bất kỳ tệp nào, khiến việc phát hiện và ngăn chặn trở nên khó khăn hơn nhiều. Một số kỹ thuật thậm chí có thể khiến thiết bị bị xâm nhập mà người dùng không hề hay biết.
Mặc dù Apple không nêu đích danh Pegasus trong thông báo lần này, hãng vẫn đề cập đến phần mềm gián điệp của NSO như một ví dụ điển hình của loại hình tấn công này.
Từ năm 2021, Apple đã bổ sung một hệ thống bảo vệ đặc biệt vào iOS, cho phép phát hiện các hành vi bất thường kể cả khi chưa biết chính xác cơ chế tấn công. Hãng cũng cho biết đã từng nhiều lần phát đi các cảnh báo tương tự trước đây.
Người dùng iPhone cần làm gì để không bị nhiễm phần mềm gián điệp?
Apple khuyến cáo người dùng nhận được cảnh báo cần ngay lập tức bật Chế độ phong tỏa (Lockdown Mode) trong Settings (cài đặt) - Privacy and Security (quyền riêng tư và bảo mật), cập nhật thiết bị lên phiên bản iOS mới nhất, đồng thời nâng cấp các thiết bị Apple khác cũng như ứng dụng liên quan.

Cách bật chế độ phong tỏa trên iPhone để hạn chế phần mềm gián điệp. Ảnh: TIỂU MINH
Hãng cũng cảnh báo người dùng cần hết sức thận trọng với các đường link lạ trong email, tin nhắn hoặc các ứng dụng nhắn tin, vì một số hình thức tấn công lợi dụng sự cả tin hoặc cảm xúc cá nhân để lừa đảo.
Ngoài ra, Apple khuyến khích các nạn nhân liên hệ với các tổ chức hỗ trợ an ninh mạng để được hướng dẫn xử lý.
Việc Apple phát đi cảnh báo cùng lúc tại 100 quốc gia cho thấy mức độ nghiêm trọng và quy mô toàn cầu của các cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp hiện nay. Theo Apple, các hình thức tấn công này đòi hỏi ngân sách hàng triệu USD và được tiến hành bởi những tổ chức có nguồn lực đặc biệt, vượt xa tội phạm mạng thông thường.
Tuy Apple không tiết lộ cách họ phát hiện các cuộc tấn công, nhằm ngăn kẻ xấu điều chỉnh kỹ thuật để tránh bị lộ, hãng nhấn mạnh rằng các cảnh báo đe dọa sẽ không bao giờ yêu cầu người dùng nhấp vào link, cài ứng dụng hay cung cấp mật khẩu Apple ID.