Ngạc nhiên với hiệu suất tác chiến của vũ khí Đức trên chiến trường hiện đại
Vũ khí Đức sẽ phải tìm cách kết hợp giữa việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, khả năng sản xuất hàng loạt và đơn giản khi vận hành để đáp ứng yêu cầu tác chiến ngày nay.

Bài phát biểu của Phó Tùy viên quân sự Đức tại Ukraine trong sự kiện tổ chức ở Trường Sĩ quan Chỉ huy Bundeswehr gần thành phố Delitzsch ở Saxony đã hé lộ năng lực tác chiến thực tế của vũ khí Đức trong một cuộc chiến tranh hiện đại.

Ông này tập trung vào thực tế sử dụng vũ khí Đức của Lực lượng vũ trang Ukraine, qua đó đúc rút kinh nghiệm để chỉnh sửa

Đầu tiên, bài phát biểu đề cập đến pháo tự hành PzH 2000 - được xem là hệ thống pháo đáng tin cậy nhất thế giới.

Đáng ngạc nhiên khi vũ khí nói trên được mô tả là "dễ bị tổn thương và chưa phù hợp với chiến tranh hiện đại", điển hình là lỗi quá nhiệt ở nòng pháo hoặc trục trặc ở hệ thống điện tử xảy ra rất thường xuyên.

Trong khi đó, xe tăng Leopard 1A5 mặc dù đã rất cũ lại được nhắc đến vì độ tin cậy đặc biệt khi hoạt động rất ổn định, nhưng do giáp bảo vệ yếu nên loại chiến xa này chỉ được sử dụng như pháo xung kích.

Còn đối với những chiếc Leopard 2A6 tối tân, mặc dù hiện đại hơn nhiều nhưng lại "cần được bảo trì ở mức độ đáng kể và không thể sửa chữa tại chiến trường", tức là gần tiền tuyến, điều này là do trên xe có quá nhiều khí tài điện tử tinh vi.

Một vũ khí nổi tiếng khác của Đức là hệ thống phòng không IRIS-T được mô tả "rất hiệu quả", tuy nhiên tên lửa đánh chặn đắt và khan hiếm, gây hạn chế nhiều về năng lực tác chiến.

So sánh với Patriot, trong khi không có khả năng đánh chặn mục tiêu đạn đạo thì IRIS-T lại tỏ ra khó "đỏng đảnh" bởi yêu cầu bảo dưỡng nghiêm ngặt, cho thấy các nhà sản xuất Đức chưa có kinh nghiệm chế tạo vũ khí thực chiến như những người đồng nghiệp bên kia đại dương.

Trong khi đó, "xe tăng phòng không" Gepard lại được nhận xét là hệ thống vũ khí rất đáng tin cậy khi đạn dược có giá cả phải chăng, còn xe chiến đấu bộ binh Marder cũng được khẳng định là phương tiện đơn giản và dễ sử dụng.

Tuy nhiên kết luận chung đó là không có loại vũ khí nào của Đức "hoàn toàn phù hợp để sử dụng trong chiến tranh hiện đại", bởi vấn đề chính ở đây là khả năng sửa chữa ngay tại chiến trường.

Hiện tại Quân đội Đức đang cố gắng áp dụng kinh nghiệm thu được nhằm nhanh chóng sửa chữa vũ khí ngay tại chỗ, đặc biệt coi trọng đến việc thiết lập các điểm bảo dưỡng ngay phía sau tiền tuyến.

Theo ý kiến nhận xét, một mặt báo cáo nói trên khó lòng phản ánh đầy đủ và toàn diện về việc Quân đội Đức xem xét kinh nghiệm bảo dưỡng vũ khí do nước này sản xuất trong biên chế Lực lượng vũ trang Ukraine.

Mặt khác, điều đáng chú ý ở đây là giới chức quân sự Đức chủ yếu tập trung vào vấn đề "cách sửa chữa" và sau đó mới đến "cách sử dụng", bước đi của họ cũng bị xem là thiếu thực tế, bởi đôi khi khả năng của vũ khí là quan trọng nhất, vấn đề còn lại là thứ yếu.

Với những gì diễn ra, có thể Đức sẽ phải thay đổi cả học thuyết quân sự của mình cho phù hợp với yêu cầu mới, nhất là khi họ đã bỏ quên lĩnh vực quốc phòng quá lâu và gần như phó mặc việc đảm bảo an ninh cho Mỹ.