Không giữ được người bên ta, hãy đẩy người ra xa nhất có thể

Khó có ngành nghề nào lại 'vừa kín, vừa hở' nhiều như lĩnh vực công nghệ. Họ là những người sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất, dĩ nhiên là phải công khai 99% giải pháp kỹ thuật. Đồng thời, họ cũng là bên giấu giếm nhiều bí mật nhất với 1% còn lại. Các cuộc chiến pháp lý về sáng chế nổi tiếng phức tạp, thì chiến trường bí mật kinh doanh cũng không kém phần khốc liệt, mà TSMC là người hiểu rõ nhất.

Liang Mong-Song là một lãnh đạo cấp cao, làm việc 17 năm cho tập đoàn gia công mạch bán dẫn lớn nhất thế giới hiện nay là TSMC (Đài Loan). Năm 2009, khi giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung, Liang chấp nhận một thỏa thuận không cạnh tranh với TSMC (không làm việc cho đối thủ, không tiết lộ thông tin) trong hai năm tiếp theo, để đổi lại được chấm dứt vị trí tại công ty cũ.

Không làm người nhà, ít nhất cũng đừng làm đối thủ

Liang rời khỏi ngành công nghiệp, bước chân vào thế giới học thuật bằng việc trở thành giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc). Năm 2011, khi cam kết với TSMC chấm dứt, Liang trở thành giám đốc công nghệ, kiêm phó chủ tịch công ty đúc chip của Samsung. Sau khi Liang xuất hiện ở Hàn Quốc, Samsung thật tình cờ có những bước tiến lớn, giành được một số hợp đồng quan trọng trước đây chỉ có TSMC độc quyền.

TSMC tin chắc rằng chẳng có sự tình cờ nào ở đây cả, mà hẳn phải là một ý đồ được tính toán kỹ lưỡng. Họ khởi kiện Liang lên Tòa Sở hữu trí tuệ và Thương mại Đài Loan với hàng loạt yêu cầu: (1) cấm Liang sử dụng hay tiết lộ các thông tin riêng tư, bí mật kinh doanh của TSMC, cũng như đối tác của TSMC; (2) cấm Liang cung cấp thông tin cá nhân của đội ngũ kỹ sư TSMC để tránh bị Samsung tiếp cận; (3) kéo dài cam kết không cạnh tranh thêm bốn năm, tức là Liang không được gia nhập Samsung đến ít nhất là năm 2015.

Ở phiên tòa sơ thẩm, tòa án chấp nhận hai yêu cầu đầu tiên, nhưng bác bỏ yêu cầu kéo dài cam kết không cạnh tranh. Theo đó, việc kéo dài thêm bốn năm là quá dài và bất hợp lý, trái với nguyên tắc lợi ích cân xứng. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm chấp nhận cả ba yêu cầu của TSMC đối với Liang. Lý do được đưa ra là bởi, ngay sau khi rời TSMC, Liang đã lập tức có mối liên hệ rất mật thiết với Samsung qua vỏ bọc Đại học Sungkyunkwan. Đây đáng ra phải là điểm dừng chân cuối cùng mà Liang nên nghĩ tới, bởi nó có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Samsung, một trong những đối thủ lớn nhất của TSMC. Tất nhiên, ông không lý nào không biết chuyện này, bởi nơi ông giảng dạy thậm chí có tên là Viện Công nghệ bán dẫn Samsung.

Trong khi đó, vai trò cũ của ông tại TSMC là tối quan trọng, gần như không thể thay thế trong nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển (R&D). Bởi vậy, việc cho phép Liang làm việc tại Samsung nhất định sẽ dẫn đến bộc lộ các bí mật kinh doanh của TSMC. Đồng thời, Đạo luật Bí mật kinh doanh của Đài Loan cũng không có bất kỳ hạn chế nào đối với điều khoản không cạnh tranh, miễn chừng nào nó còn cần thiết để bảo vệ bí mật. Tòa án tối cao Đài Loan tái công nhận phán quyết phúc thẩm, qua đó chấm dứt cuộc chiến pháp lý.

Năm 2017, Liang gia nhập hãng bán dẫn Trung Quốc đại lục SMIC với vị trí đồng giám đốc điều hành. Từ đó đến nay, dù chưa thể đưa SMIC ngang hàng với TSMC, ông đã dẫn dắt công ty đại lục này từ một “tay mơ” trở thành một “ông kẹ” đáng gờm trong cuộc đua bán dẫn.

TSMC - SMIC: Mối “lương duyên” không hồi kết

Dường như bất kỳ đâu trong thế giới bán dẫn cũng đều in dấu chân của người Đài Loan. SMIC được sáng lập vào năm 2000 bởi một người gốc Đài Loan, trở về từ Mỹ. Thuở sơ khai, SMIC được cho là ra sức chiêu mộ nhân lực từ TSMC với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc. Nhờ vậy, họ có những bước tiến thần tốc, mà giám đốc thương hiệu của TSMC là Charles Byers nhận định: “Họ chỉ mất sáu tháng để làm những việc mà công ty khác mất hai năm”(1).

TSMC phải phản ứng thật nhanh. Năm 2002, họ thắng kiện SMIC ở Đài Loan, nhưng đồng thời cũng hiểu rằng, một phán quyết của Đài Loan khó lòng tác động đến đại lục. Một năm sau, TSMC tiếp tục kiện SMIC ở Mỹ. Công ty này có trụ sở ở Thượng Hải, nhưng mang quốc tịch Cayman (nhằm niêm yết ở sàn chứng khoán Mỹ), và quần đảo này thường công nhận phán quyết của tòa án Mỹ. Vụ kiện sau cùng được hòa giải thành công bằng một thỏa thuận trị giá 175 triệu đô la Mỹ để đổi lại được TSMC cấp quyền sử dụng trong sáu năm(2).

Nhưng bình yên cũng chỉ kéo dài đến năm 2006, khi TSMC một lần nữa cáo buộc SMIC là gián điệp, chiếm đoạt lên đến 500.000 trang tài liệu kỹ thuật của mình. Lần này, cuộc chiến pháp lý diễn ra song song giữa hai tòa án Bắc Kinh và California. Tuy nhiên, một SMIC còn non trẻ rõ ràng không có đủ nguồn lực để theo đuổi cuộc chơi hao công tốn của này, và phải tiếp tục chấp nhận một dàn xếp hòa giải thứ hai. Lần này, họ trả cho TSMC 200 triệu đô la, đồng thời chuyển nhượng 10% cổ phần sang cho đối thủ(3). Cùng với việc SMIC rời khỏi sàn chứng khoán New York để chuyển sang Hồng Kông vào năm 2019, TSMC hiện được cho là chỉ còn nắm giữ 0,2% công ty đối thủ(4).

Giới hạn của bí mật là không có giới hạn

Bí mật kinh doanh là một đứa trẻ “lạc lõng” trong đại gia đình sở hữu trí tuệ, bởi các đặc tính khác thường của nó. Nếu đối tượng truyền thống như quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu… đều đặt vấn đề công khai minh bạch lên hàng đầu, thì điều kiện bảo hộ tối thượng của bí mật kinh doanh tất nhiên phải là giữ bí mật.

Bí mật thể hiện trên tài liệu đã khó cất giữ, thì bí mật nằm trong trí não con người càng khó lòng kiểm soát. Các công ty cạnh tranh thường tìm mọi cách lôi kéo con người nhằm chiếm đoạt bí mật của đối thủ. Và một khi bí mật đã bị bộc lộ, gần như không có cách nào để khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Bởi vậy, chủ sở hữu bí mật kinh doanh phải khéo léo và cẩn thận vận dụng các công cụ “ngoại vi” để nhỡ may đánh mất bí mật, thì cũng phải một mặt chặn “vệt dầu loang” để càng ít người biết càng tốt, mặt khác gỡ gạc lại bằng giá trị vật chất.

Hơn ai hết, TSMC đã khai thác chúng rất tốt. Có lẽ không ngành nghề nào đầy rẫy bí mật bằng lĩnh vực công nghệ. TSMC thành công nhờ những bí mật, đồng thời giữ vững đế chế của mình khỏi sự trỗi dậy của đối thủ cũng nhờ quyết liệt theo đuổi các vụ kiện về bí mật kinh doanh. Có thể nói, với TSMC, giới hạn duy nhất của bí mật là đường chân trời.

(1) https://www.asianometry.com/p/when-tsmc-sued-its-chinese-rival

(2) https://pr.tsmc.com/english/news/1323

(3) https://pr.tsmc.com/english/news/1586

(4) https://www.ictransistors.com/news/tsmc-sells-stake-in-smic-23946721.html

Nguyễn Lương Sỹ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khong-giu-duoc-nguoi-ben-ta-hay-day-nguoi-ra-xa-nhat-co-the/